“Nhấp nhổm” sản xuất
UBND TPHCM ban hành quy định về việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sản xuất từ ngày 15/7. Theo đó, UBND TPHCM chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ. Hoặc phương án “một cung đường - hai địa điểm”. Tức là vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung).
Cũng theo quy định, phải bảo đảm điều kiện nêu trên và bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới được phép tiếp tục hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, phải xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, tự chi trả chi phí. Trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này khiến họ khó có thể xoay xở. Cũng chính vì thế mà nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng được tiêu chí trong hoàn cảnh hiện nay.
Thế nhưng, những doanh nghiệp có thể đáp ứng được thì giờ cũng bất an. Bởi bảo đảm ăn, ngủ, sản xuất trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt cần được tính toán rất kỹ. Chưa kể đến việc vừa lo sản xuất, vừa phải phòng chống dịch…
Tránh đứt gãy sản xuất, ưu tiên phòng dịch trước tiên
Theo báo cáo, Công ty TNHH Acecook Việt Nam hiện có khoảng 1.500 người lao động làm việc chia làm 3 ca. Sau khi TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, công ty đã chủ động bố trí 950 người lao động thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất trong nhà máy.
Hiện nay, người lao động được bố trí lưu trú tập trung ở 5 địa điểm trong nhà máy: Khu vực văn phòng (112 người/800 m2), phòng quản lý chất lượng cũ (41 người/308 m2), hội trường nhà máy (24 người/144 m2), khu nhà xưởng 2 tầng bên ngoài khu vực sản xuất (840 người/2.800 m2), kho kinh doanh (50 người/ 250 m2). Cùng với đó, công ty không tổ chức đưa đón người lao động trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Công ty có 2 khu nhà ăn tập trung và do đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp SACN chịu trách nhiệm 3 bữa/ngày. Công ty đã thực hiện một số biện pháp giãn cách tại khu vực nhà ăn như tăng số lượng ca ăn. Đồng thời bố trí ăn theo phân xưởng, khu vực sản xuất. Công ty đã lắp các vách ngăn, tấm chắn giọt bắn tại bàn ăn, bố trí ăn theo nguyên tắc 1 chiều.
Tổ công tác Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Acecook Việt Nam. Tổ công tác nhận định, công ty vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác phòng chống dịch.Việc bố trí nhiều người lao động ở các phân xưởng, bộ phận khác nhau ở chung với mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nếu có trường hợp F0 xuất hiện.
Khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm chung chưa bảo đảm về số lượng, chưa thực hiện chia ca, chia tổ/nhóm theo bộ phận/phân xưởng. Nhân viên bảo vệ, lái xe giữa kho và nhà máy ở cùng với người lao động trong 1 khu vực.
Theo đánh giá, công ty này đã xây dựng phương án vừa cách ly vừa sản xuất an toàn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm phương án xử trí cụ thể khi có trường hợp F0 xuất hiện tại nhà máy.
Đại diện Tổ công tác, TS. BS Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Nhìn chung doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ theo phương án giãn cách, chia ca kíp bảo đảm an toàn. Đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động. Tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (30-50 người lao động) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, nơi ở để tránh lây nhiễm chéo khi có trường hợp nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần quản lý chặt hơn nữa người lao động để không giao lưu với bên ngoài, tránh nguồn lây. Bố trí những người có nguy cơ cao như bảo vệ, lái xe, người giao hàng, người bán hàng ở riêng 1 khu vực không tiếp xúc với người lao động…
Cũng theo BS.TS Nguyễn Đình Trung, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã phải xin dừng hoạt động vì không bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Bởi chỗ ăn, ngủ, vệ sinh không bảo đảm, thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng…