Nhiều doanh nghiệp ở TP HCM chấp nhận thiệt hại, dừng sản xuất để đảm bảo an toàn

GD&TĐ - Không thể đáp ứng “3 tại chỗ” để đảm bảo phòng dịch như yêu cầu, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã chấp nhận tạm dừng hoạt động sản xuất từ hôm nay (15/7).

Do không thể đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chấp nhận tạm dừng sản xuất từ ngày 15/7/2021.
Do không thể đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chấp nhận tạm dừng sản xuất từ ngày 15/7/2021.

Ngày 13/7, UBND TP.HCM có công văn khẩn về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn TP nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, TP chỉ cho phép các doanh nghiệp được phép hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai điều kiện: Thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; Thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung CN từ nơi sản xuất đến nơi ở của CN (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho CN).

UBND TP.HCM cũng giao Sở Y tế TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất; thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.

Trường hợp DN không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động, thời gian dừng hoạt động bắt đầu từ 00 giờ 00, ngày 15/7/2021 (thứ Năm) cho đến khi có chỉ đạo mới.

Tạm dừng để đảm bảo tâm lý nhân viên

Ngay sau chỉ đạo của TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn tạm dừng sản xuất. Thông tin trên Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Huyền – Giám đốc Genki cho biết, sau chỉ đạo của TP, Genki Japan House đã khẩn trương chuyển hàng hóa đến các siêu thị đối tác trên địa bàn TP.HCM, lượng hàng dự kiến đủ bán trong vòng 10 ngày. Các đơn hàng sỉ cho các chuỗi bán lẻ hải sản cũng sẽ được giao sớm.

Một số doanh nghiệp bố trí chỗ ăn ở cho người lao động tại nhà máy theo phương án "3 tại chỗ". Ảnh Zing.vn

Một số doanh nghiệp bố trí chỗ ăn ở cho người lao động tại nhà máy theo phương án "3 tại chỗ". Ảnh Zing.vn

Cũng theo bà Huyền, đơn vị đã sẵn sàng đóng cửa tạm thời trụ sở ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) trong thời gian tới. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, hàng hóa sẽ được chuyển từ các tỉnh khác như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng đến trực tiếp các điểm bán ở TP.HCM, chứ không thông qua kho tổng ở trụ sở như trước.

“Khi dịch bùng phát mạnh, có 4-5 nhân viên đã đồng ý ở lại, nhưng từ ngày Khu chế xuất Tân Thuận bị phong tỏa thì họ thấy việc đi lại, ăn ở khó khăn nhiều nên về. Bây giờ họ vẫn tình nguyện ở lại công ty để làm việc và công ty hoàn toàn có thể sắp xếp chỗ ăn ở cho người lao động như phương án "3 tại chỗ" mà TP.HCM yêu cầu, nhưng tôi chọn phương án dừng hoạt động để đảm bảo an toàn và tâm lý tốt nhất cho nhân viên", bà Huyền chia sẻ.

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, phần lớn doanh nghiệp trong ngành cũng chấp nhận tạm ngưng sản xuất do số lượng CN ở lại không đảm bảo để duy trì hoạt động.

"Thứ nhất là cơ sở vật chất của nhà máy không thể đáp ứng. Thứ hai là tâm lý của người lao động không tốt, nhiều lắm là cỡ 1/3 lao động chịu ở lại, mà như vậy thì không thể sản xuất được", ông Hồng phân tích.

Với những doanh nghiệp quyết định đóng cửa tạm thời, ông Hồng cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ lương cho công nhân tùy khả năng, bởi ưu tiên cao nhất hiện nay là đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

"Đây là một sự đứt gãy lớn của nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp hiện nay không còn nghĩ đến thiệt hại nữa, họ chỉ quan tâm đến an toàn cho xã hội và chính người lao động của mình. Tình hình đến đâu thì doanh nghiệp sẽ ứng phó đến đó", ông Hồng nhìn nhận.

Sau cuộc họp với hơn 70 doanh nghiệp và đại diện các hội ngành nghề thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch Chu Tiến Dũng cũng cho rằng sau ngày 15/7 sẽ có nhiều doanh nghiệp chấp nhận tạm dừng hoạt động.

Ngay chính Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn nơi ông làm việc đã thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà máy và hoàn thiện các công đoạn sản xuất để cho một số công ty con nghỉ một thời gian, trừ những đơn vị chuyên sản xuất hàng thiết yếu và có đơn hàng xuất khẩu.

Ông lý giải hiện nay, các địa phương xung quanh TP.HCM cũng đang áp dụng Chỉ thị 16, do đó hàng hóa khó lưu thông và khó tiếp cận người mua. Do đó, dù có cố gắng bố trí để tiếp tục sản xuất cũng không hiệu quả.

Trong ngày hôm qua, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), với hơn 56.000 lao động cũng phải dừng sản xuất để phòng chống dịch sau khi lãnh đạo nhà máy làm việc với chính quyền địa phương.

Theo đề nghị của quận Bình Tân, Pouyuen chỉ được sản xuất khi khi bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, cứ 3 ngày tất cả lao động phải được xét nghiệm nCoV. Tuy nhiên, phía Công ty đã không đáp ứng được yêu cầu này.

Đại diện công ty cho biết nhà máy không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại nhà máy bởi số lượng quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp máy móc. Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động ở thời gian TP HCM áp dụng Chỉ thị 16. Nhưng nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người. Công ty khó đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt lượng người lớn như vậy trong 10 ngày.

Nhiều doanh nghiệp triển khai “3 tại chỗ” trước khi có chỉ đạo 

Không như một số doanh nghiệp lựa chọn việc tạm dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất nhờ sớm kích hoạt chế độ sản xuất “thời chiến” chủ động bố trí cho nhân viên ở lại công ty để sản xuất.

Thông tin trên Báo Người Lao động, ông Phạm Minh Thiện - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ Maycho biết, doanh nghiệp đã sớm kích hoạt chương trình sản xuất trong thời điểm dịch bệnh. Theo đó, chỉ bố trí cho công nhân ở lại nhà máy làm việc ở khu vực ít nguy cơ như nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tại nơi được xác định là có nguy cơ cao như nhà máy chế biến thủy sản, doanh nghiệp không bố trí công nhân ở lại nhà máy để tránh lây nhiễm không đáng có. Các bộ phận cần tăng ca được hưởng 200% lương, được xem xét thi đua, tăng lương trước thời hạn.

Tương tự, việc sinh hoạt, ăn ở của 500 công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Ðại Dũng trong KCN An Hạ (huyện Bình Chánh) đã thay đổi hoàn toàn khi doanh nghiệp thực hiện phương án "vừa cách ly vừa sản xuất" từ ngày 7/7.

Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh bố trí lều bạt cho người lao động ăn, ngủ, nghỉ ngơi tại doanh nghiệp. Ảnh: Người Lao động

Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh bố trí lều bạt cho người lao động ăn, ngủ, nghỉ ngơi tại doanh nghiệp. Ảnh: Người Lao động

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Ðại Dũng, hoạt động của tất cả các bộ phận không chỉ bảo đảm các quy định phòng chống dịch của ngành y tế mà còn tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt do doanh nghiệp đưa ra. Cụ thể, đơn vị cung cấp suất ăn không đưa trực tiếp vào công ty, chỉ chuyển suất ăn đến chốt kiểm soát dịch bệnh phía ngoài. Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe; bảo đảm các điều kiện vệ sinh; ký cam kết thực hiện quy định về phòng chống dịch.

Người lao động tham gia phương án "3 tại chỗ" sẽ lưu lại công ty cho đến hết thời gian thực hiện (một tháng) và chỉ được ra ngoài khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR và được sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền... "Với phương án này, người lao động được ăn 4 bữa mỗi ngày. Bữa trưa và chiều do công ty lo, ăn sáng và ăn tối do Công đoàn phụ trách" - ông Hùng cho biết.

Còn tại Công ty CP Cơ khí Thương mại Tân Thanh (TP Thủ Đức), 70 lao động trực tiếp cũng đã được bố trí "3 tại chỗ" với đầy đủ vật dụng cần thiết, như: lều bạt, phích nấu nước, dụng cụ sạc pin, nhu yếu phẩm… Bộ phận gián tiếp, các trưởng phòng ban và ban giám đốc làm việc tại nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ