Thay vì phải gieo xuống đất hạt mới bắt đầu nảy mầm, khó kiểm soát, anh Lương Văn Trường, HTX Thanh Niên Nam Đại Dương (Nam Định) đã nghĩ đến sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn.
Đưa về trạng thái ngủ đông
Anh Lương Văn Trường, CEO của HTX Thanh Niên Nam Đại Dương, cho biết, vào đầu mỗi mùa vụ trồng lúa, người nông dân thường chuẩn bị ngâm ủ hạt giống, hoàn thiện lại mặt bằng ruộng rồi mới xuống giống.
Quy trình truyền thống này chỉ cần gặp điều kiện thời tiết bất lợi như quá nóng, quá lạnh, hạn hán, úng lụt, hoặc đơn giản là không kịp hoàn thiện mặt bằng cũng đều gây ra bất lợi cho việc xuống giống.
Trong khi đó, việc ức chế hạt giống hay kìm hãm sự phát triển của hạt giống tươi chờ thời điểm phù hợp để xuống giống rất khó khăn. Đặc biệt đối với những đơn vị, hộ gia đình sản xuất quy mô lớn. Trong điều kiện tốt cũng chỉ kìm hãm được 2 - 3 ngày.
“Tôi là một người trồng lúa. Có thời điểm diện tích sản xuất lên tới 25ha. Hiện nay, tôi duy trì sản xuất 12ha. Tôi nhận thấy quá trình sản xuất quy mô lớn gặp rất nhiều thách thức. Một trong số đó là việc chuẩn bị lượng giống lớn (quy mô hàng tấn/vụ) đúng thời điểm như đã nói ở trên. Việc xuống giống như thế cần huy động nhân lực và vật lực rất lớn.
Vào các thời điểm vụ mùa 2017, vụ mùa 2018, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng mưa lớn từ đầu vụ khiến việc xuống giống không thể thực hiện. Giống phải bỏ đi nhiều lần vì ngâm ủ xong trời mưa nhiều, ruộng đồng ngập nước không thể xuống giống được.
Riêng tôi thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Toàn bộ khu vực sản xuất hàng ngàn mẫu xung quanh cũng bị ảnh hưởng tương tự. Cũng trong thời gian này tôi phát hiện ra các hạt giống khi được xử lý hãm mầm, khi được làm khô đúng cách thì gặp điều kiện thuận lợi vẫn có khả năng hồi sinh mạnh mẽ”, anh Lương Văn Trường chia sẻ.
Để tạo ra hạt giống nảy mầm trước, anh Lương Văn Trường chia sẻ, về cơ bản quy trình này thực hiện các bước thông thường trong quy trình ngâm ủ giống truyền thống với các bước: Lựa chọn nguyên liệu, ngâm ủ.
Điều đặc biệt trong quy trình này là đưa hạt giống đã nảy mầm sau ngâm ủ vào trạng thái ngủ đông bằng cách làm khô trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Điều này giúp hạt giống được bảo quản tốt hơn trong điều kiện bình thường và hồi sinh nhanh chóng khi được gieo trồng trong điều kiện thuận lợi.
Việc sử dụng sản phẩm từ quy trình này giúp người trồng lúa chủ động được hạt giống, lựa chọn được thời điểm gieo trồng phù hợp theo ý kiến chủ quan, tránh được các điều kiện thời tiết bất lợi, giảm rủi ro và tổn thất trong sản xuất, giúp các đơn vị sản xuất giống gia tăng lợi nhuận, kéo dài thời gian sống của sản phẩm trên kênh phân phối.
Phương pháp này dựa trên nền tảng quá trình sinh lý tự nhiên của thực vật. Khi gặp điều kiện bất lợi như hạn hán, mầm cây có cơ chế tự nhiên đưa mầm, hạt mầm vào trạng thái ngủ đông để duy trì sự sống của cây. Khi gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ hồi sinh trở lại.
Theo tác giả, để thực hiện chỉ cần các thiết bị như bể ngâm ủ, hệ thống phơi sấy, đóng gói thông thường có sẵn tại các đơn vị sản xuất lúa gạo hoặc bán sẵn trên thị trường do đó việc triển khai rất dễ dàng kể cả với quy mô nhỏ của người nông dân.
Lương Văn Trường nhận giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021. |
Áp dụng cho mọi vùng miền
HTX Thanh Niên Nam Đại Dương là đơn vị chuyên nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ ngành trồng lúa tại Việt Nam. Được hình thành năm 2018 với nông trại đầu tiên là Nông trại Cờ Đỏ quy mô 7ha. Tới nay, tổng diện tích của HTX là 20ha với nhiều giải pháp mới được phát triển trong đó có 3 giải pháp được đánh giá và ghi nhận như: Công nghệ sản xuất hạt giống nảy mầm siêu tốc, kỹ thuật trồng lúa không cày bừa, kỹ thuật sản xuất gạo mầm tươi.
Anh Lương Văn Trường cho biết, đây là giải pháp hoàn toàn mới trên thế giới, hiện tại chưa quốc gia nào áp dụng hoặc công bố (dựa theo tra cứu chuyên sâu từ Cục Sở hữu trí tuệ).
Giải pháp có thể áp dụng cho mọi vùng miền, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở cả Việt Nam, thế giới và cho nhiều loại hạt giống khác nhau. Công nghệ áp dụng cơ bản theo các phương thức mà một người có hiểu biết thông thường cũng có thể áp dụng, trang thiết bị sẵn có trên thị trường, dễ dàng sản xuất công nghiệp số lượng lớn.
Nói về tính hiệu quả, anh Lương Văn Trường cho rằng, sử dụng hạt giống nảy mầm sẵn giúp người nông dân giảm rủi ro khi thiên tai xảy ra (hạt giống thông thường nếu không gieo trồng kịp thời sẽ rất khó bảo quản, nhanh chóng thối hỏng phải bỏ đi); giúp người nông dân tiết kiệm tới 300.000 đồng/ha chi phí ngâm ủ hạt giống.
Việt Nam mỗi năm sử dụng khoảng 700.000 tấn giống lúa, thế giới sử dụng khoảng 16 triệu tấn. Việc áp dụng tổng thể có thể giúp riêng Việt Nam tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng, tạo ra một lĩnh vực sản xuất mới, tạo thêm hàng ngàn việc làm mới.
Anh Lương Văn Trường đã đưa hạt giống nảy mầm sẵn sử dụng trên hơn 150ha tại Nam Định, Thái Bình, Bạc Liêu. Giải pháp đang được đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.
“Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm lúa nước, ngay từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với công việc trồng lúa. Ngày đó, cánh đồng manh mún, gia đình tôi chỉ có 6 sào ruộng nhưng lại chia thành nhiều ô ruộng và rất xa nhau.
Tôi đã khát khao khi trưởng thành tôi sẽ xóa bỏ những ô thửa nhỏ để sản xuất trên cánh đồng thẳng cánh cò bay như miền Nam và công việc đồng áng sẽ được sử dụng bằng máy móc. Vừa là đam mê, vừa là thời cơ khi quê hương bước vào công nghiệp hóa, người nông dân bỏ ruộng vào nhà máy.
Tôi dễ dàng thuê được những vùng sản xuất diện tích lớn. Ngay từ đầu tôi xác định, giải pháp sản xuất mới là chìa khóa để thành công. Do đó, tôi cùng các cộng sự của mình tập trung vào nghiên cứu các giải pháp sản xuất”, anh Trường chia sẻ.