Sản xuất biodiesel từ mỡ cá tra

GD&TĐ - Nghiên cứu về quy trình sản xuất biodiesel do GS.TSKH Lưu Văn Bôi (Khoa Hóa học, Trường ĐH KHTN - ĐHQGHN) và cộng sự phát triển mở ra hướng xây dựng công nghệ sản xuất biodiesel giá thành thấp ở Việt Nam.

Dây chuyền chế biến cá tra.
Dây chuyền chế biến cá tra.

Tận dụng phế phẩm của cá tra

Ngày nay, đã có nhiều cơ sở sản xuất biodiesel từ cây cải dầu, dầu cây đậu nành hay dầu cây hướng dương, mỡ động vật… trên toàn thế giới. Vậy đâu là nguồn nguyên liệu đầu vào phù hợp nhất với Việt Nam?

Theo GS.TSKH Lưu Văn Bôi, người đã dành hàng chục năm theo đuổi lĩnh vực chế tạo nhiên liệu biodiesel bằng công nghệ sạch, câu trả lời là mỡ cá tra.

Mỗi năm, các doanh nghiệp và nông dân Đồng bằng sông Mekong sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn ca tra. Quá trình chế biến cá phát sinh khoảng 800.000 tấn phụ phẩm, trong đó có khoảng 150.000 tấn dầu cá.

Phần dầu cá này dù không thể “bước” lên các chuyến hàng xuất khẩu, nhưng đó cũng không phải là thứ bỏ đi. Khoảng 50% số mỡ cá này được tinh luyện làm dầu ăn, số còn lại được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc hoặc biodiesel.

Dù đã có nhiều nhà khoa học tiến hành phát triển quy trình chế tạo biodiesel từ mỡ cá tra, nhưng họ vẫn chưa đề ra được một quy trình công nghệ nghiêm ngặt, dẫn đến sản phẩm biodiesel chưa tinh khiết và không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, gây hậu quả khi đưa vào sử dụng thực tế.

Chúng ta đã có thể chủ động được nguồn nhiên liệu, không phụ thuộc vào bên ngoài, nhưng làm thế nào để có được một quy trình tốt? Đó là câu hỏi mà GS Lưu Văn Bôi vẫn luôn trăn trở trong suốt quá trình nghiên cứu.

Làm sao để chế biến đơn giản, rẻ tiền mới là cách làm bền vững. Khi chúng ta đã chủ động được giá nguyên liệu đầu vào – mà cụ thể là mỡ cá tra, nếu còn tìm ra được một phương pháp đơn giản, không tốn kém nữa, thì giá biodiesel sẽ còn thấp hơn rất nhiều. Trước đây, quá trình sản xuất biodiesel thường sử dụng methanol làm rượu trong phản ứng.

Một mặt, giá thành methanol tương đối thấp; mặt khác, có các ưu điểm về kỹ thuật như mạch carbon ngắn, độ phân cực lớn nên khả năng phản ứng cao, tạo nhũ tương với glycerin và biodiesel không bền nên dễ tách và làm sạch.

Vì lẽ đó, các nhà khoa học trên thế giới đã chuyển sang dùng ethanol để thay thế cho methanol. Ethanol được sản xuất từ các nguyên liệu nguồn gốc thực vật, nên etyl biodiesel đúng nghĩa là nhiên liệu tái tạo.

So với methanol, ethanol ít độc hơn, nhiệt năng cao hơn, nhiệt độ kết tinh thấp hơn, tính chất lưu biến tốt hơn, tính ổn định oxy hóa, tính bôi trơn, khả năng phân hủy sinh học và đặc tính khí thải đều tốt hơn.

Nhưng etanol lại không phải là một phương án thay thế hoàn hảo. Bởi ethanol có mạch carbon dài hơn methanol, nên khả năng phản ứng kém hơn; thứ hai là phản ứng tạo nhũ tương bền hơn với glycerin và biodiesel, nên việc tách và làm sạch sản phẩm khó khăn hơn.

Tìm ra công thức tối ưu

Nhóm nghiên cứu đã quyết định thử nghiệm chế tạo este etyl cacboxylat (còn gọi là etyl biodiesel hoặc FAEE) từ mỡ cá tra và rượu ethanol bằng phương pháp mới, sử dụng chính sản phẩm phản ứng là FAEE làm đồng dung môi.

“Đây chính là điểm mới của chúng tôi”, GS Bôi phân tích, “phương pháp đồng dung môi là dùng một loại dung môi hòa tan được cả hai tác nhân chính của phản ứng – mà cụ thể ở đây là metanol và mỡ cá, làm cho phản ứng xảy ra trong môi trường đồng thể, tốc độ phản ứng cao, thời gian phản ứng ngắn (phản ứng kết thúc sau khoảng 50 phút), hiệu suất và độ chuyển hóa cao, chất thải ít, tách sản phẩm nhanh chất lượng biodiesel cao”.

Trong khi đó, mỡ cá và metanol không tan lẫn nhau sẽ khiến phản ứng xảy ra trên bề mặt pha, tốc độ chậm – hơn 120 phút, độ chuyển hóa thấp, do đó hiệu suất và chất lượng biodiesel không cao.

Để tìm được điều kiện thích hợp cho phản ứng chuyển đổi este của mỡ cá tra bằng ethanol với xúc tác KOH, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu của tỷ lệ mol mỡ/etanol, hàm lượng xúc tác (% khối lượng mỡ cá), hàm lượng đồng dung môi FAEE (% khối lượng mỡ cá), thời gian và nhiệt độ, lên hiệu suất etyl biodiesel.

“Kết quả cho thấy, do thời gian phản ứng ngắn với độ chuyển hóa rất cao (>99%) và không cần cất loại đồng dung môi FAEE nên giá thành sản phẩm giảm khoảng 30%”, GS Bôi tự tin khẳng định: “Lúc này, giá nguyên liệu đầu vào (dầu mỡ) chiếm 80% giá thành biodiesel”, mà nguyên liệu đầu vào là phần mà nước ta có thể chủ động, nên việc sản xuất biodiesel không còn đắt đỏ.

GS Bôi cho biết, để mở rộng nghiên cứu, không chỉ là sản xuất biodiesl, phòng thí nghiệm của ông đã quyết định nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm cùng một lúc để tăng khả năng cạnh tranh, thay vì chỉ tạo ra một sản phẩm là biodiesel như trước đây.

Nỗ lực để vượt qua được khó khăn này của cả nhóm đã được thể hiện thông qua kết quả của nghiên cứu trên, khi mà nghiên cứu không chỉ hướng đến tạo ra một phương pháp đồng dung môi đơn giản, hiệu quả, mà FAEE trong nghiên cứu còn là sản phẩm đa ứng dụng, có thể dùng làm nhiên liệu động cơ và phân đoạn giàu este của các axit omega-3, - 6, - 9 có thể được tách ra để sản xuất thực phẩm chức năng có giá trị gia tăng cao.

Phương pháp này hướng đến sản xuất đồng thời biodiesel, chất hóa dẻo và chất ổn nhiệt cho nhựa PVC và cao su từ bất cứ loại dầu mỡ nào. Đây khả năng sẽ là bước ngoặt trong việc xây dựng kịch bản mới về công nghệ sản xuất biodiesel giá thành thấp.

Việc thử nghiệm chất hóa dẻo và chất ổn nhiệt từ quá trình sản xuất biodiesel của nhóm nghiên cứu đã có kết quả tốt, tuy nhiên, theo Giáo sư, muốn đưa vào áp dụng thực tế phải cần thêm thời gian.

“Doanh nghiệp đang dùng các phụ gia nhập khẩu, sản phẩm đang được tiêu thụ (trong và ngoài nước) ổn định. Do đó, phải chờ xem mẫu sản phẩm sản xuất từ phụ gia của ta có phát sinh rủi ro hay không”, ông cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.