Đưa hát then vào nhà trường
Để di sản hát then được lưu giữ, bảo tồn và phát huy, trong những năm gần đây, các nhà trường ở các xã như Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến đã có nhiều biện pháp cũng như hình thức để tạo sức lan tỏa của câu hát then đối với nhân dân và cuộc sống thường ngày.
Nhiều bản Tày ở các xã đã thành lập đội then vừa để biểu diễn, luyện tập, vừa để truyền dạy cho lớp trẻ những câu then của ông cha. Các nhà trường đóng trên địa bàn các xã đã cùng chung tay với đồng bào Tày gìn giữ câu hát then bằng cách đưa then Tày vào môi trường học đường.
Với số lượng học sinh người Tày chiếm trên 90% ở các nhà trường, do vậy, trong từng năm học, các nhà trường từ bậc Tiểu học đến THPT ở các xã đã gắn việc gìn giữ hát then với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng.
Khi đưa câu then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát then trong đời sống của đồng bào Tày từ bao đời nay.
Vào đầu mỗi năm học, các nhà trường đã chủ động mời các nghệ nhân đã sưu tầm và thuộc nhiều bài then cổ đến nói chuyện về nguồn gốc, giá trị và việc diễn xướng của hát then. Các nghệ nhân của bản Tày như ông Ma Thanh Sợi (xã Nghĩa Đô) được các nhà trường biết đến để truyền lại những câu hát then của đồng bào Tày.
Bên cạnh đó, học sinh tại các bản Tày ngoài giờ học còn tham gia tập hát điệu then tại các đội hát do chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi tổ chức. Nòng cốt là các nghệ nhân và những người cao tuổi thuộc nhiều câu then cổ và những làn điệu then ca ngợi quê hương đất nước. Nhờ đó, khi đến trường, các em học sinh Tày đã có những “vốn liếng” nhất định về hát then.
Lồng ghép hát then vào các hoạt động ngoại khóa là nội dung diễn ra thường xuyên ở các nhà trường trên địa bàn Vĩnh Yên và Nghĩa Đô. Trường Tiểu học Nghĩa Đô có tới 99,5 % học sinh dân tộc Tày, do vậy, vào dịp những ngày lễ lớn, nhà trường đều tổ chức cho học sinh lớp 5 tập luyện và biểu diễn những làn điệu hát then.
Tuy không được chuyên nghiệp trong cách hát và biểu diễn như các nghệ nhân nhưng các em học sinh đã mang đến cho không gian học đường màu sắc của làn điệu dân ca Tày ấm áp và giàu bản sắc. Trường THPT số 3 Bảo Yên thường cho học sinh biểu diễn hát then vào các giờ chào cờ và ngày lễ trong năm, mời nghệ nhân đến dạy và biểu diễn hát then cùng học sinh.
Để học sinh hiểu về tầm quan trọng và giá trị của hát then, các trường như Tiểu học, THCS Nghĩa Đô, THCS Vĩnh Yên đã thường xuyên tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu kiến thức về hát then rồi hội thi văn nghệ các làn điệu dân ca địa phương.
Qua những hoạt động này, không những các em có những kiến thức về câu then mà còn có thêm niềm tự hào về bản sắc truyền thống của quê hương mình. Khi tham gia biểu diễn, nhiều em học sinh người Tày tỏ ra tự tin, chuyên nghiệp và ấn tượng.
Để việc truyền dạy hiệu quả
Theo đánh giá của lãnh đạo các nhà trường, khi mới đưa then vào nhà trường, nhiều học sinh e ngại khi tiếp xúc và tìm hiểu hát then nhưng dần dần các em thấy quen và hứng thú với những làn điệu then của quê hương mình.
Mưa dầm thấm lâu, thông qua những hoạt động này, nhận thức của giáo viên và học sinh về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và hát then-đàn tính đã từng bước được nâng lên.
Từ chỗ “vắng bóng” trong các hoạt động tập thể của các nhà trường, những tiết mục hát then-đàn tính đã được biểu diễn trên sân khấu vào các dịp khai giảng, ngày nhà giáo Việt Nam, các hội thi, hội diễn văn nghệ... nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn trường.
Kinh nghiệm đưa ra sau nhiều năm áp dụng hình thức đưa then vào trường học là muốn câu then được đưa vào học đường, trước hết, các nhà trường cần tác động vào nhận thức của học sinh. Bởi nhiều em học sinh người Tày sinh ra và lớn lên trên quê hương của những điệu then nhưng lại rất thờ ơ hoặc không am hiểu về then nhiều.
Do vậy, tâm lý ngại ngùng khi luyện tập và tìm hiểu cũng như ngoại khóa về then là điều không thể tránh khỏi. Cần khơi dậy trong các em niềm tự hào về những giá trị trường tồn bao đời của hát then.
Các hoạt động ngoại khóa về then Tày cần tiến hành đều đặn, gắn với các nội dung giáo dục cụ thể như giáo dục truyền thống địa phương, lịch sử địa phương, văn hóa dân gian…Cần phối hợp với các nghệ nhân dân gian ở các bản Tày trong việc truyền dạy về diễn xướng then trong các hoạt động văn hóa.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần phát huy vai trò của các thầy cô giáo là người bản địa, những người ít nhiều sẽ biết được hát then. Các thầy cô sẽ là người tổ chức và truyền dạy hát then thường xuyên cho học sinh nhà trường.
Hát then là một loại hình văn hoá đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày, việc bảo tồn di sản hát then là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của nhiều lực lượng trong cộng đồng. Do vậy, đưa hát then vào nhà trường trên địa bàn các xã phía Đông Bắc huyện Bảo Yên trong những năm học qua với những hoạt động thiết thực đã góp phần làm thăng hoa làn điệu dân ca quê hương bản Tày từ bao đời nay.