Sẵn tâm thế đón năm học mới

GD&TĐ - Năm học mới đang đến gần trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

Học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) chưa thể học trực tuyến vì nhiều điểm trường không có điện và mạng Internet. Ảnh: NTCC (chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát)
Học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) chưa thể học trực tuyến vì nhiều điểm trường không có điện và mạng Internet. Ảnh: NTCC (chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát)

Việc phải triển khai dạy học trực tuyến ngay đầu năm học là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Các nhà trường sẵn sàng, chủ động ứng phó tình huống.

Linh hoạt dạy học trực tuyến và trực tiếp

Thầy Tạ Văn Kha - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Năm thứ 2 có dịch Covid-19 nhưng nếu phải triển khai dạy học trực tuyến, nhà trường vẫn không thể thực hiện. Nguyên nhân bởi 100% phụ huynh dân tộc Mông, đời sống khó khăn, nhiều gia đình chỉ lo cơm ăn hàng ngày cũng chưa đủ. Một số phụ huynh có điện thoại di động nhưng chỉ có thể nghe gọi thông thường.

Mặt khác, trong trường hợp nhà trường khuyến khích hoặc phụ huynh vay mượn để mua được điện thoại thông minh cũng không thể sử dụng bởi người dân ở sâu trong thôn bản, sóng điện thoại không có.

Theo thầy Tạ Văn Kha, nếu dịch bệnh tại địa phương phức tạp, nhà trường vẫn dạy học trực tiếp nhưng giãn cách. 700 học sinh được chia nhóm và học theo ca tại 10 điểm trường tại 9 thôn. “Chỉ có cách này mới bảo đảm giãn cách và việc dạy học bắt đầu đúng thời gian...” – thầy Tạ Văn Kha bày tỏ.

Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) cũng có 100% HS dân tộc, phụ huynh làm nương rẫy là chủ yếu. Khi nói tới triển khai dạy học trực tuyến ở năm học mới, thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng khẳng định chưa thể làm được bởi 5/11 điểm chưa có cả điện lẫn sóng điện thoại.

Thầy Tùng cho rằng: Dịch khó có thể xảy ra “nặng” với các huyện miền núi bởi đa số người dân làm ăn tại địa phương, không có người lạ ra vào. Đường biên lối mở thuộc địa bàn xã được lực lượng chức năng kiểm soát kĩ, khá an toàn.

Do đó nhà trường vẫn có thể triển khai dạy học trong điều kiện giãn cách và trực tiếp. Chia nhỏ sĩ số học sinh theo thôn bản và dạy ở các điểm lẻ. Mặt khác, với khoảng 50 học sinh có thể học trực tuyến vẫn triển khai kết hợp. Tuy nhiên, số học sinh lớp 1 nhất định phải học trực tiếp mới bảo đảm được việc dạy học.

Chia nhỏ từng nhóm học sinh để dạy trực tiếp vẫn là phương án tối ưu của các trường học vùng cao nếu khi có dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: NTCC
Chia nhỏ từng nhóm học sinh để dạy trực tiếp vẫn là phương án tối ưu của các trường học vùng cao nếu khi có dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: NTCC 

Tâm thế sẵn sàng

Thầy Nguyễn Bá Tam – Hiệu trưởng Trường THCS Tân Long (Hướng Hóa – Quảng Trị) khẳng định nếu bước vào năm học mới phải triển khai dạy học trực tuyến, nhà trường cũng sẵn sàng tâm thế.

Theo thầy Tam, học kỳ II năm học vừa qua, 100% học sinh của trường đã học tập trực tuyến. Có khoảng 40 học sinh người dân tộc không có điều kiện, nhà trường bố trí ghép học chung nhóm với các bạn ở gần, có điều kiện phương tiện học tập. Về phía đội ngũ giáo viên, các thầy cô đã triển khai tốt dạy học trực tuyến.

Chia sẻ về dự tính khi bắt đầu năm học mới trong tình huống dịch bệnh phức tạp, thầy Liễu Tiến Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học &THCS Hầu Thào (Thị xã Sa Pa, Lào Cai) khẳng định: Trường có thể triển khai dạy học trực tuyến cho khoảng 20% học sinh có đủ thiết bị học tập và sinh sống ở nơi có sóng điện thoại. Còn lại sẽ chia nhỏ các khối lớp và triển khai dạy học trực tiếp tại 3 điểm thôn, mỗi lớp học không quá 20 học sinh, mỗi buổi một khối lớp.

“Việc dạy học trực tuyến hoàn toàn thời điểm này là không thể do điều kiện khó khăn của gia đình học sinh. Việc dạy học trong thời gian tới sẽ kết hợp cả trực tiếp lẫn trực tuyến”– thầy Liễu Tiến Sơn khẳng định.

Nâng cao chất lượng dạy trực tuyến

Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh, đội ngũ giáo viên Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) xác định tâm thế bắt đầu năm học mới bằng dạy học trực tuyến. Đây không còn là vấn đề đáng lo ngại bởi năm học trước, 100% học sinh của trường đã tham gia học trực tuyến thời gian nghỉ dịch. Trường cũng đã sắp xếp ổn thỏa 20% học sinh không có điều kiện phương tiện học tập được học chung với HS có phương tiện.

Theo thầy Quách Đức Hiển, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A, vấn đề nhà trường quan tâm nhất là làm sao nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến. Năm học trước, trường mới kiểm soát số lượng học sinh học trực tuyến qua giáo viên chủ nhiệm, thầy cô giáo bộ môn. Năm học mới, để kiểm soát về nội dung và thời gian bài giảng của giáo viên khi dạy trực tuyến,…  nhà trường sẽ đẩy mạnh kiểm soát tính tương tác trong các giờ học trực tuyến.

Cụ thể, trường sẽ yêu cầu các thầy cô tăng cường bài kiểm tra nhanh trong giờ học trực tuyến. Như vậy buộc học sinh phải tập trung nghe giảng trong tiết dạy, không để các em làm việc riêng trong khi học trực tuyến.

Mặt khác, kết hợp với các bài kiểm tra nhanh là việc giao bài tập làm ngay và chữa bài tập về nhà trong giờ học. Như vậy, sự tương tác và phản hồi của học sinh với tiết học và giáo viên mới liên tục, trọn vẹn…

Thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cũng bày tỏ: Mọi điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để triển khai dạy học trực tuyến ngay đầu năm học mới đã sẵn sàng. Tuy nhiên, cần thống kê được số học sinh lớp 10 mới vào trường về khả năng, điều kiện học trực tuyến tới đâu để có giải pháp hỗ trợ, bố trí sắp xếp.

Cũng theo thầy Quý, khi học trực tuyến trở thành một phương án dạy học tối ưu trong bối cảnh dịch dã phức tạp, việc tập trung nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến là cần thiết.

Trường sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học trực tuyến để tạo ra sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Ví dụ như giáo viên có thể cho HS kiểm tra nhanh, triển khai “chơi mà học” để tạo sự liên kết. Hoặc giáo viên cho học sinh nghiên cứu bài học trước sau đó trình chiếu video cho cả lớp cùng xem… 

“Trường sẽ dạy học trực tuyến với nhóm học sinh có đủ điều kiện, thiết bị học tập, số còn lại sẽ chia nhỏ dạy trực tiếp theo ca. Thậm chí giáo viên có thể tiếp tục mang bài tới nhà cho học sinh… Tùy theo điều kiện thực tế diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương, nhà trường sẽ kết hợp các hình thức dạy và học hiệu quả. Tâm thế chung của nhà trường đó là linh hoạt, chủ động với mọi tình huống dạy học khi năm học mới bắt đầu…” – thầy Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS &THPT huyện Bát Xát (Lào Cai). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.