Sẵn sàng học online khi dịch bệnh còn rập rình

GD&TĐ - Ứng phó với dịch Covid-19 tái xuất, các cơ sở giáo dục, từ phổ thông cho đến cao đẳng, đại học không chỉ nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống, mà còn kịp thời chuyển hướng dạy học từ xa.

Giáo viên tại TPHCM luôn sẵn sàng “kích hoạt” dạy học trực tuyến để phòng dịch Covid-19. Ảnh: N.Phong
Giáo viên tại TPHCM luôn sẵn sàng “kích hoạt” dạy học trực tuyến để phòng dịch Covid-19. Ảnh: N.Phong

Trường ĐH dạy học trực tuyến

Ngay sau khi Sở Y tế TPHCM công bố 4 ca bệnh mới, cũng như phát đi thông báo khẩn về công tác phòng chống dịch, hàng loạt trường đại học ngoài việc cho sinh viên nghỉ đã chuyển trạng thái dạy và học tập trung sang học online nhằm bảo đảm nguyên tắc nghỉ tránh dịch chứ không nghỉ học. 

Đơn cử, ngày 3/12, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH KHTN TPHCM, ĐH Kinh tế - Luật… thông báo áp dụng hình thức giảng dạy và học tập online từ ngày 3/12 - 14/12 cho các hệ, trình độ đào tạo tại TPHCM.

Hình thức học online được triển khai linh hoạt trên các nền tảng học trực tuyến: LMS (giảng trực tuyến hay recording), Livestream (Facebook), Classroom (Google), Microsoft Office 365, Blue Green, Skype, Zoom Meeting theo thời khóa biểu của nhà trường. Đồng thời, trường ban hành Quy định tạm thời về việc tổ chức, quản lý đào tạo trực tuyến theo mô hình Blended learning (học tập tích hợp online - offline). Trong đó nêu rõ trách nhiệm của giảng viên, sinh viên và các đơn vị liên quan; cách thức tổ chức và quản lý đào tạo lớp học Blended learning.

“Để phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong giảng viên, sinh viên nhưng không ảnh hưởng, gián đoạn việc học, nhà trường chủ động chuyển đổi trạng thái giảng dạy - học tập cho sinh viên, giảng viên. Cụ thể, với các lớp học phần lý thuyết có sĩ số sinh viên lớn hơn 50, giảng viên phải tổ chức dạy trực tuyến cho sinh viên. Lớp học lý thuyết có sĩ số sinh viên từ 50 trở xuống, lớp thực hành/thí nghiệm, Giáo dục thể chất, An ninh - Quốc phòng vẫn thực hiện giảng dạy trên lớp theo khung thời gian và phòng học như trong thời khóa biểu của môn học. Nhưng nhà trường khuyến khích giảng viên sử dụng 20% thời lượng môn học để thực hiện kế hoạch giảng dạy và học tập trực tuyến” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết. 
    
Sẵn sàng kích hoạt dạy học online

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 chia sẻ: Ở đợt dạy học trực tuyến trước, tôi cũng như các giáo viên của trường và học sinh  quen với hình thức này nên rất chủ động. Việc học online của Trường THCS Nguyễn Du hồi tháng 3/2020 được thực hiện theo thời khóa biểu, kể cả những môn học như Thể dục, Mĩ thuật… Theo đó, các giáo viên của trường ban đầu dạy qua Zoom, sau đó là MS Teams, hoặc quay các video để đẩy lên YouTube, trang web nhà trường, ra bài tập online; thầy trò trao đổi qua nhiều kênh như Facebook, Zalo, Viber… “Với việc được tập huấn kĩ, kỹ năng thuần thục, giáo viên có nhiều hình thức để hướng dẫn các em học tập hiệu quả. Chúng tôi luôn ở tâm thế chủ động, sẵn sàng để ứng phó với dịch Covid-19”, thầy Bảo nói. 

Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) là nơi có học sinh F1, với gần 60 em đang tạm nghỉ học để phòng dịch. Theo Hiệu trưởng Vũ Thị Ngọc Dung, trường triển khai kế hoạch để giáo viên dạy học trực tuyến thông qua nhiều hình thức như Zoom, MS Teams… và qua nhiều kênh trực tuyến khác nhau. “Với hình thức dạy học trực tuyến, giáo viên được tập huấn kĩ, triển khai thuần thục trong đợt nghỉ phòng dịch Covid-19 hồi học kỳ II của năm học trước nên không có vấn đề gì đáng lo lắng. Thời điểm này cũng gần xong chương trình học kỳ I, các em chủ yếu ôn tập để chuẩn bị thi học kỳ nên thầy cô sẽ hỗ trợ thêm về việc ôn tập. Học sinh cũng rất có ý thức học tập nên cũng không có trở ngại gì khi chuyển qua học trực tuyến”, cô Dung nói. 

Liên quan đến giáo viên có tiếp xúc gần ca bệnh, Trường Tiểu học Võ Văn Tần (Quận 6) cho học sinh tạm nghỉ học từ ngày 1/12 - 4/12 để phòng dịch Covid-19. Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng thông tin: Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy online, gửi các bài hướng dẫn, phiếu ôn tập, bài tập để HS học tập kiến thức tuần 13. Nhà trường bảo đảm dù nghỉ học nhưng học sinh vẫn được tiếp cận kiến thức một cách đầy đủ. Các giáo viên đã phối hợp với phụ huynh chặt chẽ, đồng hành để giúp các em học tập trong những ngày tạm nghỉ học. “Với học sinh lớp 1, các em có bỡ ngỡ một chút nhưng phụ huynh cũng rất quan tâm, đồng hành. Giáo viên luôn sẵn sàng nhận điện thoại, trao đổi qua các hình thức online để cùng phụ huynh hướng dẫn các em học tập. Việc học tập trực tuyến của trường những ngày qua khá tốt”, cô Lệ Hằng nói. 

Cho đến nay, học sinh TPHCM khá sẵn sàng học online, nếu buộc phải dạy học từ xa. Em Nguyễn Mai Hương, học sinh khối 11, Trường THPT Tam Phú tự tin: “Chúng em được “rèn” rất kĩ ở đợt nghỉ học trước nên có những kỹ năng cần thiết để tham gia học tập trực tuyến. Nếu phải sử dụng đến phương án này chúng em rất sẵn sàng”.

Liên quan đến việc kiểm tra học kỳ I năm học này trên địa bàn TPHCM do ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin: Học sinh học đến đâu, đề kiểm tra sẽ ra đến đó. Theo kế hoạch, các trường tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra cuối kỳ từ giữa tháng 12/2020 đến đầu tháng 1/2021. Với những học sinh đang tạm nghỉ học, các trường tổ chức học trực tuyến và linh hoạt sắp xếp để các em được làm bài kiểm tra vào thời gian phù hợp. Khi học sinh đi học trở lại, giáo viên sẽ củng cố những kiến thức đã học trong thời gian học trực tuyến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ