Sẵn sàng cho kỷ nguyên AI

GD&TĐ - Trong kỷ nguyên số, AI đang đóng vai trò then chốt trong việc tái định hình thị trường lao động...

Ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Chuyển đổi số Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII.
Ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Chuyển đổi số Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII.

Đứng trước xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đào tạo học sinh, sinh viên và người lao động trang bị kiến thức công nghệ chuyên sâu là yếu tố then chốt để phát triển kỹ năng và tư duy cho thế hệ lao động trẻ của Việt Nam.

Xu hướng AI bùng nổ

Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII cho biết, trong kỷ nguyên số, AI đang đóng vai trò then chốt trong việc tái định hình thị trường lao động. Theo báo cáo năm 2023 của McKinsey & Company (công ty tư vấn quản trị toàn cầu), Generative AI (AI tạo sinh) đã tạo ra giá trị kinh tế lên tới 4.000 tỷ USD mỗi năm cho toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, nhiều công việc truyền thống đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế do tự động hóa. Theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI, quá trình tự động hóa đã tác động đến khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian, trong đó các lĩnh vực như kế toán, tài chính, dịch vụ khách hàng và sản xuất chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

Báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra rằng, các ngành nghề có nhu cầu cao trong tương lai sẽ bao gồm: Chuyên gia dữ liệu lớn, kỹ sư AI và học máy, kỹ sư FinTech, nhà phát triển phần mềm cũng như chuyên gia an ninh mạng. Đặc biệt, khảo sát được thực hiện bởi Microsoft năm 2024 cho thấy, 66% nhà tuyển dụng sẽ không xem xét tuyển dụng nhân sự thiếu kỹ năng về AI.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII khẳng định: “Ngày nay, nếu người lao động không trang bị kiến thức về AI thì sẽ vô cùng khó khăn để cạnh tranh trong thị trường lao động. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, tôi cho rằng Việt Nam muốn đào tạo được một lực lượng các nhà khoa học công nghệ, sáng tạo và chuyển đổi số thì việc trang bị kiến thức AI từ sớm là xu hướng tất yếu. Vì vậy, sứ mệnh của tổ chức là phổ cập Blockchain và AI đến 1 triệu người Việt Nam, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên”.

Những con số thuyết phục một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức công nghệ sớm, giúp học sinh bậc trung học phổ thông có thể tạo dựng lợi thế cạnh tranh khi bước vào các ngành nghề tương lai, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, Blockchain và phân tích tài chính số.

san-sang-cho-ky-nguyen-ai-2.jpg
Học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên tham gia sự kiện “Blockchain & AI: Làm chủ công nghệ - Làm chủ tương lai”.

Chắp cánh cho thế hệ công dân số

TS Nguyễn Công Toản - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mới đây nhà trường đã phối hợp cùng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII tổ chức sự kiện với chủ đề “Blockchain & AI: Làm chủ công nghệ - Làm chủ tương lai” nhằm mở ra cơ hội tiếp cận những xu hướng công nghệ đột phá, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số.

Nguyễn Hoàng Nam - học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên bày tỏ: “Dù rất hứng thú với lĩnh vực này, nhưng em vẫn cảm thấy khá mơ hồ. Em không biết làm cách nào để có thể học được các kiến thức chuyên sâu, cũng không biết phải bắt đầu học từ đâu vì các kiến thức được chia sẻ trên mạng một cách nhỏ lẻ, chưa có sự hệ thống hóa. Em đã từng thử lên mạng tìm hiểu cách sử dụng các công cụ AI. Nhưng thực tế là em chỉ biết sử dụng ứng dụng Chat GPT”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Long khẳng định, AI không chỉ giới hạn trong các công cụ Chat GPT, trợ lý ảo hay một số ứng dụng thông dụng khác như nhiều người vẫn lầm tưởng. Kiến thức trong lĩnh vực AI vô cùng rộng và sâu, vì vậy cần hiểu được bản chất của vấn đề nhằm ứng dụng AI một cách tối ưu nhất, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Đức Long đã gợi mở cho các em học sinh cách tiếp cận và mang đến những trải nghiệm thú vị trên nền tảng học trực tuyến MasterTeck với hơn 300 khóa học chuyên sâu. Cụ thể, nền tảng là một trong những công cụ giúp giáo viên, học sinh có thể chủ động và linh hoạt học tập, nghiên cứu các kiến thức công nghệ từ cơ bản đến nâng cao về AI và Blockchain.

“Chúng tôi đã phân tích dữ liệu từ hơn 24 lĩnh vực ngành nghề như: Truyền thông, quản trị, quản lý bán hàng,… Từ đó, các chuyên gia của chúng tôi đã xây dựng nền tảng dựa trên nhu cầu thực tế để người học có thể sử dụng một cách hiệu quả và tối ưu nhất.

Với sự hỗ trợ từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng các tổ chức công nghệ, trong năm vừa qua nhiều sinh viên, học sinh đã tiếp cận nguồn tài liệu cập nhật nhất, tham gia các khóa học chất lượng nhất và nhận chứng chỉ chuyên môn, tạo lợi thế cạnh tranh khi bước chân vào thị trường lao động. Qua đó, chúng tôi mong rằng có thể truyền cảm hứng và định hướng nghề nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỷ nguyên AI”, ông Nguyễn Đức Long chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ