Khoa học dữ liệu: 'Chìa khóa vàng' cho thời đại số

GD&TĐ - Khoa học dữ liệu, ngành học liên ngành kết hợp toán học, công nghệ và tri thức chuyên ngành, đang dẫn đầu xu hướng trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên khoa học dữ liệu có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau. Ảnh: HUTECH
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên khoa học dữ liệu có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau. Ảnh: HUTECH

Với vai trò quan trọng trong kinh doanh, y tế, giáo dục, kinh tế và chuyển đổi số, lĩnh vực này mang lại cơ hội việc làm đa dạng cùng mức lương hấp dẫn, hứa hẹn là lựa chọn sáng giá cho thế hệ trẻ.

Mang tính liên ngành

Ngành khoa học dữ liệu ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực chất lượng, trở thành một trong những nền tảng chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là lĩnh vực đòi hỏi nhân lực có trình độ chuyên môn cao, mang lại mức lương hấp dẫn và cơ hội làm việc đa dạng trong nhiều ngành nghề.

Khoa học dữ liệu là một ngành học mang tính liên ngành sâu rộng, dựa trên ba trụ cột chính: Toán học và thống kê, khoa học máy tính kết hợp với các lĩnh vực tri thức chuyên biệt như tài chính, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục, kỹ thuật đo lường, logistics… Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, phạm vi ứng dụng của ngành này ngày càng được mở rộng, đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực thực tiễn.

Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM (UIT), khoa học dữ liệu là một ngành học liên ngành, ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để thu thập, quản lý, xử lý, phân tích, mô hình hóa và dự đoán dữ liệu, nhằm rút ra thông tin và tri thức có giá trị phục vụ việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Ngành này có ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, y tế và giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Trong kinh doanh, khoa học dữ liệu giúp các doanh nghiệp phân tích thị trường, dự đoán nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa các hoạt động, từ đó đưa ra quyết định kinh doanh chính xác. Trong y tế, khoa học dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu bệnh án và kết quả xét nghiệm, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh, nghiên cứu y khoa và phát triển thuốc.

Phó Hiệu trưởng UIT nhấn mạnh, khoa học dữ liệu có mối quan hệ chặt chẽ với ngành công nghệ thông tin, sử dụng các kỹ thuật và công nghệ từ lĩnh vực này để thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu. Vai trò của khoa học dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng, góp phần làm các phần mềm và ứng dụng công nghệ trở nên thông minh và hữu ích hơn, nhất là trong bối cảnh “Data Intelligence” (thông minh dữ liệu).

Với sự bùng nổ dữ liệu từ các mạng xã hội và công cụ lưu trữ đám mây, TS Khang cho rằng, tri thức của thế giới hiện đại đang chuyển dần từ sách vở sang Internet. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu được xem như “vàng đen” của các doanh nghiệp và tổ chức. Điều này dẫn đến nhu cầu quản lý và khai thác dữ liệu lớn (big data) ngày càng tăng, đặc biệt trong các tập đoàn và tổ chức lớn.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực quan trọng như hành chính, y tế, giáo dục và đầu tư, khiến việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu trở thành yếu tố quyết định trong việc đưa ra các chiến lược và quyết định lớn.

Trong tương lai gần, khi các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến, xã hội sẽ nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của dữ liệu đối với đời sống. Sinh viên theo học ngành khoa học dữ liệu sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp để làm việc với các kỹ thuật xử lý, phân tích và dự đoán dữ liệu.

khoa-hoc-du-lieu-2.jpg
Tổng quan chương trình đào tạo ngành khoa học dữ liệu tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) với các nhóm kiến thức. Ảnh: HCMUT

Cơ hội nghề nghiệp lớn

Khoa học dữ liệu là ngành học dành cho những sinh viên đam mê toán học, thống kê, lập trình và AI, đồng thời mong muốn khám phá các dữ liệu từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM nhận định, ngành khoa học dữ liệu là ngành học khá “khó nhằn”. Vì vậy, để học ngành này cần có một số kỹ năng như tư duy phản biện, thống kê, lập trình, đồng thời trang bị kiến thức về học máy, học sâu và AI. Sinh viên cũng cần làm quen kỹ năng làm việc với dữ liệu phi cấu trúc, kỹ năng tiền xử lý dữ liệu, kỹ năng trực quan hóa dữ liệu, kỹ năng thuyết trình…

Theo các chuyên gia đào tạo tại các trường đại học, trong suốt quá trình học khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ được tiếp cận với những chủ đề tiên tiến trong khoa học dữ liệu, như AI, Blockchain, giải trình tự gen và có cơ hội học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực này.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có khả năng xử lý, phân tích và trực quan hóa dữ liệu, thành thạo trong việc sử dụng các công cụ phân tích như Python, R, SQL, Power BI, Tableau và các phần mềm xử lý dữ liệu khác. Bên cạnh đó, sinh viên còn có khả năng ứng dụng kiến thức khoa học dữ liệu vào các tình huống thực tế, đồng thời lập kế hoạch, triển khai và quản lý các dự án dữ liệu.

Khoa học dữ liệu sẽ là xu thế của tương lai, là ngành khoa học về việc khai phá, quản trị và phân tích dữ liệu để dự đoán các xu hướng trong tương lai và đưa ra các quyết định, chiến lược hành động.

Các ngành nghề phổ biến liên quan đến khoa học dữ liệu hiện nay rất đa dạng, bao gồm: Khoa học dữ liệu, kỹ sư AI, chuyên gia AI, kỹ sư dữ liệu và phân tích kinh doanh. Sinh viên có thể làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu, tham gia nghiên cứu về AI, phân tích dữ liệu, máy học, hoặc phát triển phần mềm, ứng dụng thương mại điện tử, game và hệ thống công nghệ thông tin.

Hiện nay, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã đào tạo ngành khoa học dữ liệu như: Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Bách khoa (cùng thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Tài chính - Marketing TPHCM, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ... Chương trình đào tạo ngành khoa học dữ liệu ở mỗi trường này có những học phần gắn liền với thế mạnh đào tạo của mỗi trường, như kinh tế, tài chính - ngân hàng, công nghệ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tết sum họp cũng là lúc mọi người đoàn viên, quây quần bên nhau, cùng nhau trao lời chúc yêu thương trọn vẹn nhất. Ảnh minh họa: INT.

Dạy con chúc Tết

GD&TĐ - Tết là dịp gia đình sum họp, trao cho nhau những lời chúc để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình yêu thương.

Quần đảo Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Tết đến rồi, Trường Sa!

GD&TĐ - 'Tết này con được ở Trường Sa,/Cùng bạn bè vui Tết đảo - nhà,/Biển cả - quê hương, vờn sóng biếc,/Phong ba đua nở, đón Xuân về!'…