Sản phẩm với dịch chiết từ lá bàng giành giải Nhất cuộc thi ý tưởng sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chế phẩm sinh học từ lá bàng thay thế kháng sinh trong nuôi thuỷ sản giành giải quán quân cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.

Các thành viên thực hiện dự án Aquabetle Plus - Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng. Ảnh: Hoàng Nga
Các thành viên thực hiện dự án Aquabetle Plus - Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng. Ảnh: Hoàng Nga

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa tổ chức vòng chung kết cuộc thi "Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo" năm 2023.

Phát động từ ngày 12/4, với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở và chuyển đổi số”, cuộc thi tiếp nhận hơn 100 bài thi đến từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Các dự án đa lĩnh vực như Công nghệ sinh học, Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm.

Ban giám khảo đánh giá, xét chọn dựa trên các tiêu chí: Ý tưởng đổi mới sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh của dự án; ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực.

Kết quả, giải Nhất thuộc về đội Aquabetle Plus với sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

2 giải nhì thuộc về Gel gội đầu và dưỡng tóc từ cây ngải xanh của Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng và LOTUSLEEP - Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam của Trường Đại học Công Thương TPHCM.

2 giải ba thuộc về "CentiWork - nền tảng kết nối Freelancer Talents với doanh nghiệp" (Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TPHCM, Học viện Ngân hàng) và "Chế phẩm thảo mộc trừ sâu từ dầu neem và hạt bình bát" (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành).

Dự án Aquabetle Plus được trình bày trước hội đồng Ban giám khảo. Ảnh: Hoàng Nga

Dự án Aquabetle Plus được trình bày trước hội đồng Ban giám khảo. Ảnh: Hoàng Nga

Nhóm đoạt giải Nhất Aquabetle Plus - Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng do sinh viên Đoàn Thị Thu Hằng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành làm chủ nhiệm chính.

Công trình này được Thu Hằng cùng Nguyễn Hữu Tiến (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nghiên cứu từ 2 năm qua. Chế phẩm lá bàng hạn chế kháng sinh, giúp nâng cao chất lượng thủy hải sản cho Việt Nam.

Sản phẩm là một ứng dụng để giải quyết vấn đề thực tế, xuất phát từ hiện trạng của nhóm nghiên cứu môi trường sau quá trình đi thực tế.

Sản phẩm dịch chiết lá bàng trên khác biệt với các sản phẩm trên thị trường. Hiện có 2 dòng sản phẩm là Medilea dành cho nuôi trồng thủy hải sản và Medilea Pro dành cho cá cảnh.

Ngoài ra, quy trình sản xuất và công nghệ giữ cho hàm lượng dược tính của lá bàng hạn chế mất đi trong quá trình làm ra sản phẩm.

Các dự án được ban giám khảo đánh giá có nhiều điểm mới, khả thi. Ảnh: Hoàng Nga

Các dự án được ban giám khảo đánh giá có nhiều điểm mới, khả thi. Ảnh: Hoàng Nga

Chia sẻ về kế hoạch sau khi giành giải nhất của cuộc thi, ThS. Trần Thành, Viện nghiên cứu và phát triển bền vững - Founder, Giảng viên hướng dẫn dự án, cho biết: "Định hướng kế tiếp của nhóm là không ngừng hoàn thiện sản phẩm. Kim chỉ nam nhóm luôn là chất lượng đem lại giá trị thương hiệu".

Ngoài ra, nhóm đang hoàn thiện quy trình sản xuất để làm hồ sơ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Việc này giúp các ý tưởng của nhóm được bảo hiểm và cũng là tiền đề để mạnh dạn mở rộng thương mại hóa.

Sau hơn 4 tháng tổ chức, trải qua các vòng thi khắt khe, Ban tổ chức cuộc thi "Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo" năm 2023 khép lại.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của sinh viên, kích thích việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ