Khởi nghiệp từ mô hình du lịch sinh thái

GD&TĐ - Anh Nguyễn Văn Tới, người dân tộc Tày (SN: 1987) luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Khởi nghiệp từ mô hình du lịch sinh thái.
Khởi nghiệp từ mô hình du lịch sinh thái.

Dám nghĩ dám làm

Sinh ra tại Lạng Sơn nhưng đến năm 1999 anh Tới đã theo bố mẹ xuống Thái Nguyên làm kinh tế. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết lớp 9 anh Tới phải bỏ ngang để phụ giúp gia đình. Năm 16 tuổi anh rời Thái Nguyên xuống Hà Nội làm phụ hồ, sau đó anh quyết định Nam tiến làm công nhân. Tuy nhiên công việc vất vả, thu nhập không ổn định, trải qua nhiều khó khăn, vất vả anh Tới đã quyết định trở về quê hương để lập thân, lập nghiệp.

Nằm nép mình giữa không gian mênh mông của núi rừng ven chân dãy núi Tam Đảo, homestay của anh Tới hiện ra thật bình dị trong màu xanh bạt ngàn của rừng cây, đồi chè, thác nước. Trong tiết trời mưa rào của mùa hè, bên ấm trà xanh nghi ngút khói, anh Tới vừa nhanh tay rót trà vừa chia sẻ: Năm 2020, nhận thấy quê hương mình có rất nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, có khả năng thu hút du khách là hướng đi phù hợp với thực tế địa phương nên đã quyết tâm đầu tư dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay.

Từ số vốn 1,8 tỷ đồng vay từ ngân hàng, anh Tới bắt tay vào xây dựng homestay với một số hạng mục như nhà sàn cộng đồng, nhà hàng, bể bơi, 3 căn bungalow nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi phục vụ gia đình kết hợp nuôi cá tầm để phục vụ nhu cầu của khách lưu trú tại homestay.

Anh Tới cho biết: Với mong muốn xây dựng homestay của mình theo hướng thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, nên các vật liệu xây dựng đa phần đều có sẵn từ tự nhiên như tre nứa…xung quanh homestay đều trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả và hoa thơm để du khách có thể hòa mình vào không gian bình dị nhất.

Du khách khi đặt chân tới La Bằng homestay sẽ được cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ ở nơi giao thoa của thiên nhiên đất - trời với khung cảnh núi rừng hùng vỹ, thơ mộng, được thưởng thức những món ăn mang đậm nét đặc trưng của địa phương, được thăm quan các điểm di tích lịch sử, khu vực trồng chế biến chè, trải nghiệm tắm suối Kẹm, thác nước…

Homestay của anh Tới bình dị, mộc mạc nhưng cũng rất đỗi ấm cúng, tạo không gian thoáng đạt, gần gũi thiên nhiên. Anh Tới cho biết, La Bằng homestay có thể đáp ứng được khoảng 450 khách mỗi ngày và lượng khách du lịch đến lưu trú tại homestay của anh Tới khá đông, đặc biệt là những ngày cuối tuần bao gồm cả khách du lịch trong nước và quốc tế.

Anh Nguyễn Văn Tới (áo đen) người dân tộc Tày, chủ La Bằng homestay đang phục vụ các du khách tới thăm quan, trải nghiệm tại homestay.

Anh Nguyễn Văn Tới (áo đen) người dân tộc Tày, chủ La Bằng homestay đang phục vụ các du khách tới thăm quan, trải nghiệm tại homestay.

Tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con địa phương

Trung bình homestay của anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 – 15 lao động địa phương, cho mức thu nhập khá tốt. Với định hướng phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng, anh Tới đã chủ động liên hệ với Hội nghệ nhân và bà con trong thôn để tổ chức các hoạt động như: Biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại, dịch vụ đưa đón du khách thăm quan trải nghiệm… Qua đó góp phần tạo công ăn việc làm ổn định hơn cho một số bà con tại địa phương.

Anh Tới chia sẻ: Nhờ có hướng đầu tư đúng đắn, hiện tại trung bình mô hình homestay thu về khoảng 1 tỷ đồng/ tháng sau khi trừ các chi phí lãi khoảng 20%. So với việc làm nông nghiệp đơn thuần thì thu nhập từ homestay ổn định và cao hơn.

Ông Dương Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Xã La Bằng là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái động, thực vật phong phú với bản sắc văn hóa dân tộc, thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà.

Để phát huy thế mạnh sẵn có, huyện Đại Từ đã lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác, đặc biệt là trồng và chế biến chè, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Mô hình La Bằng homestay là một trong 4 mô hình lưu trú do do Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng tổ chức quản lý, mô hình ngày càng có sức lan tỏa, tạo được sức hút với chính người dân địa phương tham gia làm du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ