Sản phẩm 'made in sinh viên' phục vụ cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại Trường ĐH Trà Vinh, nhiều sản phẩm “made in sinh viên” đã bước ra từ giảng đường, được ứng dụng thành công vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng.

Máy tách vỏ tôm khô và đóng gói tự động của nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.
Máy tách vỏ tôm khô và đóng gói tự động của nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.

Chế tạo máy “2 trong 1”

Máy tách vỏ tôm khô và đóng gói tự động là sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế của nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh. Thiết bị này khi được chuyển giao đến cộng đồng đã được người dân nhiệt tình đón nhận vì mang lại hiệu quả trong sản xuất. Ưu điểm của chiếc máy là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng tôm khô, bảo quản được lâu hơn từ 6 - 12 tháng, lại tiết kiệm thời gian, nhân lực, góp phần nâng cao giá trị đặc sản tôm khô tỉnh Trà Vinh.

Thiết bị được kết nối liền kề nhau thành một dây chuyền đơn giản nhưng khép kín, từ bể chứa tôm sang cơ cấu đánh vỏ tôm, đến cơ cấu sàng và cuối cùng là cơ cấu đóng gói tự động. Người dùng có thể điều chỉnh được thời gian quá trình tách vỏ tôm, thời gian đánh vỏ tôm, thời gian sàng và số lượng đóng gói thông qua màn hình.

Ngoài ra, máy còn được thiết kế thêm bộ phận giữ lại vỏ tôm nát để tái chế bảo vệ môi trường. Thiết bị khá nhỏ gọn, tiết kiệm nhiều thời gian và nhân lực, đồng thời giảm số lần tiếp xúc giữa người và tôm khô, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cho người lao động.

Sinh viên Nguyễn Minh Thành, trưởng nhóm sáng chế cho biết: Khi cho vào máy 2kg tôm khô sẽ cho ra 1,2kg tôm đã sạch vỏ. Tổng tỉ lệ hao hụt là 40% (bao gồm 30% vỏ tôm và 10% tôm nát). Phương pháp thủ công mà người dân áp dụng trước nay trong quá trình đập, sàng và gỡ vỏ còn làm nát nhiều tôm hơn, trung bình 57,5% vỏ tôm và tôm nát.

Nhóm sinh viên sản xuất xà phòng lục bình đón nhận khen thưởng của thầy hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh.

Nhóm sinh viên sản xuất xà phòng lục bình đón nhận khen thưởng của thầy hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh.

Nguyễn Minh Thành chia sẻ: Tỉnh Trà Vinh có diện tích nuôi tôm trên 25.000ha. Để xử lý và bảo quản nguồn thủy sản điển hình là tôm khô thì hầu hết người dân đều phơi khô và tách vỏ tôm theo phương pháp thủ công. Sau khi tôm khô được tách vỏ để lấy thịt thì đa số vỏ tôm nát và tôm vụn bị thải thẳng ra môi trường làm tăng nguy cơ ô nhiễm.

Tuy nhiên, nhóm thiết kế đã tính đến vấn đề này nên khi thiết kế máy tách vỏ tôm khô tự động đã hướng đến xử lý tôm khô tự động hợp vệ sinh, được thiết kế thêm bộ phận giữ lại vỏ tôm nát và tôm vụn - thứ mà từ trước đến nay trong quá trình làm tôm khô chỉ bỏ đi. Mục đích của việc thiết kế thêm bộ phận giữ lại vỏ tôm nát và tôm vụn là dùng để tái chế làm nhựa sinh học như: Ly, bát, đĩa, hoặc chế tạo túi phân hủy sinh học an toàn cho động vật biển, làm màng composite xử lý rác thải, làm thức ăn trong chăn nuôi và phân bón hữu cơ cho cây trồng...

Máy tách vỏ tôm khô và đóng gói tự động của nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh đã giành giải Ba cuộc thi Mitsubishi Electric Cup MECA 2023 - một sân chơi uy tín hàng đầu dành cho sinh viên ngành tự động hóa do Công ty Mitsubishi Electric Việt Nam (MEVN) tổ chức. Dù đã đoạt giải nhưng nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thiết bị và thương mại hóa sản phẩm đưa ra thị trường.

Sản phẩm xà phòng lục bình.

Sản phẩm xà phòng lục bình.

Nâng tầm phụ phẩm địa phương

Xà phòng lục bình là sản phẩm tận dụng phụ phẩm từ thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương của nhóm sinh viên Thạch Văn Duy, Thạch Thị Huỳnh Trang và Đỗ Ngọc Sa Huỳnh. Sản phẩm đạt giải thưởng kép (2 giải Ba) tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên năm 2023” do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức và cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh tổ chức.

Chia sẻ về sản phẩm xà phòng lục bình, trưởng nhóm Thạch Văn Duy, sinh viên lớp Đại học Quản trị kinh doanh khóa 2022 cho biết: Với khao khát muốn tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và tận dụng triệt để các nguồn phế phẩm trong tự nhiên, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, cải thiện tình trạng cản trở các phương tiện lưu thông đường thủy, chúng em đã tập trung nghiên cứu làm xà phòng từ lục bình. Xà phòng lục bình được tạo ra từ lá và thân cây lục bình rất gần gũi với thiên nhiên, dễ sử dụng, giá thành hợp lý, giúp vệ sinh thân thể và làm sạch da, phù hợp với nhu cầu của nhiều người tiêu dùng…

“Để tạo ra sản phẩm xà phòng lục bình, nhóm sinh viên phải trải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh, hạn chế tối đa chất bảo quản. Đó cũng là mục tiêu của nhóm, nhằm chinh phục và tạo dựng sự tin cậy của người tiêu dùng. Hiện nay, tình trạng thất nghiệp và vấn đề tài chính của nông dân ở các địa phương cũng là một trong những thách thức.

Chính vì vậy, ý tưởng này có thể tạo nên việc làm, tăng thêm thu nhập, góp phần vào việc giảm bớt gánh nặng cho nhiều gia đình ở nông thôn, cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới”, Đỗ Ngọc Sa Huỳnh, sinh viên lớp Đại học Dược khóa 2021 giải thích về ý tưởng của các bạn trẻ.

Sản phẩm xà phòng lục bình có ưu điểm giúp vệ sinh thân thể, loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và mùi hôi, mang lại cảm giác sảng khoái và tươi mới, thân thiện với môi trường đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng, vừa dễ dàng phân hủy trong tự nhiên. Sản phẩm có giá thành hợp lý, đảm bảo chất lượng và an toàn, thêm tác dụng phụ là hỗ trợ điều trị các bệnh về da như chàm, mẩn đỏ... Hiện, xà phòng lục bình bước đầu đã được sản xuất và cung cấp cho thị trường.

Sản phẩm xà phòng lục bình tạo nên sự khác biệt, mới lạ, vì trên thị trường chưa có sản phẩm xà phòng được tạo ra từ cây lục bình. Giá thành rẻ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm, hoàn toàn tự nhiên và thân thiện với môi trường. Sản phẩm hoàn toàn có thể được mở rộng kinh doanh, trở thành sản phẩm được ưa chuộng khi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe quan tâm và có chiến lược hỗ trợ đầu tư phát triển.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Trở về

Truyện ngắn: Trở về

GD&TĐ - Hắn khẽ trở mình, quay sang vuốt ve thân hình đương thì của thị. Hơi thở của hắn dồn trong tiếng gọi, tiếng chó sủa, thêm gấp…