So với Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT, Thông tư 26 quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn cũng như sinh viên trong hoạt động NCKH, đặc biệt có nhiều nội dung mang tính động viên thiết thực.
Cụ thể, người hướng dẫn ngoài được tính giờ NCKH như trước đây, nay còn được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành công việc. Sinh viên cũng được hỗ trợ kinh phí NCKH theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học; được hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu; được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, rèn luyện…
NCKH đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người nói chung và trong các hoạt động học thuật ở môi trường giáo dục nói riêng. Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH của sinh viên luôn được Nhà nước chú trọng và khuyến khích phát triển.
Số lượng sinh viên, đề tài tham gia các giải thưởng như “Tài năng Khoa học trẻ” do Bộ GD&ĐT tổ chức, “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka” do Thành đoàn TPHCM phát động… ngày càng tăng. Chất lượng NCKH cũng được cải thiện, nhiều sản phẩm nghiên cứu của sinh viên đã phát triển, chuyển giao trong đời sống.
Mặc dù, đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng so với tiềm lực và yêu cầu, nhất là trong bối cảnh quốc gia khởi nghiệp, hội nhập, hoạt động NCKH trong sinh viên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Tỉ lệ sinh viên tham gia NCKH trên tổng số sinh viên các trường còn thấp; đề tài nghiên cứu chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định; công bố các kết quả NCKH của sinh viên chưa nhiều; tham gia triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống còn hạn chế; chất lượng tham gia thực hiện đề tài của sinh viên thiếu tính bền vững.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Năng lực và phương pháp nghiên cứu của sinh viên có những hạn chế. Cách đánh giá nhà trường chủ yếu vẫn dựa vào kết quả bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi kết thúc môn học nên người học vẫn phải dành phần lớn thời gian để có được kết quả học tập tốt nhất, thay vì đầu tư NCKH.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chưa có nhiều cơ chế thu hút sinh viên tham gia các hoạt động NCKH. Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài từ phía nhà trường thực tế vẫn có, nhưng nhìn chung chỉ mang tính chất động viên, tuỳ vào điều kiện từng trường và sinh viên chỉ được nhận sau khi công trình đã hoàn thành.
Trong quá trình làm, kinh phí chủ yếu là do sinh viên tự bỏ ra nên đa số các đề tài nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức vài triệu đến khoảng chục triệu đồng. Vì thế, chất lượng của đề tài cũng bị giới hạn. Với những đề tài xuất sắc, có khả năng ứng dụng cao, nhiều nơi sinh viên còn đơn độc với câu chuyện đăng ký bản quyền hay chuyển giao cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, giảng viên hướng dẫn ngoài việc được tính giờ nghiên cứu, ưu tiên khi đề xuất khen thưởng thì chưa được hỗ trợ tài chính đúng mức. Thời gian cho công việc giảng dạy chiếm đa số nên một số giảng viên cũng không mặn mà động viên sinh viên NCKH. Nghiên cứu của sinh viên ĐH Văn Hiến TPHCM về khó khăn để hoàn thành đề tài NCKH cho thấy đến 76,70% người được hỏi cho rằng giảng viên ít khuyến khích sinh viên làm NCKH.
Với những điểm mới ưu việt, Thông tư 26 được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ để sinh viên, giảng viên quan tâm đầu tư hơn cho NCKH. Vận dụng chính sách này để thúc đẩy hoạt động NCKH trong sinh viên, trước tiên và quan trọng nhất vẫn là vai trò của nhà trường. Cùng với cơ chế chính sách mở từ Nhà nước, nếu các trường nhận thức rõ và xem NCKH trong sinh viên là một trong những yếu tố góp phần làm nên chất lượng và thương hiệu của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động này sẽ phát triển không chỉ về lượng, mà còn về chất, ngày càng bền vững.