Ồ ạt săn chim
Tại vách núi dựng đứng của Lèn Vũ Kì xã Đồng Thành, chúng tôi chứng kiến một nhóm 5 người trong đó có cả những em nhỏ khoảng 14-15 tuổi đang leo lên đỉnh lèn để bắt chim sáo. Nam, một tay có thâm niên bắt sáo ở đây cho biết:
Giá chim sáo ở Yên Thành hiện nay từ 150- 200 ngàn đồng/ con. Mỗi ngày bắt 3-4 con sáo, vị chi có hơn tạ thóc. Chính vì vậy mà người ta liều chết đi bắt sáo. Hiện, còn có những thợ săn ở những nơi khác cũng tìm về các lèn đá để bẫy, bắt sáo. Họ mang theo dây thừng, dây bảo hiểm, để leo lèn bắt sáo.”
Không chỉ chim sáo mà hiện nay tất cả các loài chim đều là đối tượng để những tay săn chim dùng nhiều “chiêu” vây bắt . Đồ nghề săn chim cũng rất đa dạng: Bẫy lồng, bẫy mổ, bẫy treo, lưới trùm, keo dính. Có những tay thợ săn còn dùng bẫy lưới trùm, có lúc bắt được cả vài trăm con chào mào, hoặc vành khuyên trong một đêm.
Dương, một thợ săn chim có tiếng dẫn chúng tôi đến vùng rừng xã Lăng Thành để xem đặt bẫy. Dương chủ yếu sử dụng bẫy bằng chim mồi, lưới sập và dùng điện thoại phát tiếng hót của các loài chim để dụ chim đến. Gần một buổi sáng mà Dương cùng với 3 chiến hữu đã tóm được hơn 30 chú chim các loại như chào mào, chích choè, cu gáy…
Dương cho biết: Mỗi ngày, anh ta cũng săn được vài chục con chim cảnh bán khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Khi gặp may tóm được chim mĩ nhân như Chào Mào hoa hậu, Yểng, Hoạ Mi thì được bộn tiền.
Hiện thợ săn chim ở miền xuôi cũng lắm mà ở miền núi cũng nhiều. Tuấn một thợ săn chim chuyên nghiệp tâm sự : “Người đi săn chim ở các vùng núi cao như Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, nhiều lắm , nhưng nghề này cũng cực kì nguy hiểm.
Loài chim yểng, sáo thường làm tổ lưng chừng núi. Bắt được 2 loài chim này thợ săn phải dùng dây thừng, khoan đá đặc chủng.. Khi phát hiện tổ chim, thợ săn phải nghiên cứu kĩ vách đá để quăng dây. Đồng thời, các mũi khoan tự động rất cần thiết giúp người thợ tạo điểm đứng ở những vách đá trơn trượt, chênh vênh.
Thợ săn phải tinh thần vững. Khi lên cao nhìn xuống phía dưới thấy sâu hun hút, người yếu bóng vía dễ run tay và ngã."
Theo Tuấn thì số người bị chết do leo núi bắt chim không phải là ít. Còn những người ngã núi bị thương cũng khá nhiều. ". Hỏi Tuấn mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền từ nghề này? Tuấn cho biết : Một chuyến đi gần 1 tháng trung bình cũng kiếm được khoảng 10 triệu/ người. Nếu may mắn bắt được vài chục con hoạ mi, yểng, Công thì ăn đủ. Hoạ mi chưa huấn luyện cũng 1-2 triệu đồng/ con; , Công 5 triệu đồng/ con"…
Vấn điếu thuốc sâu kèn châm lửa rít một hơi dài, Tuấn lắc đầu: "Có khi cầm trong tay chục triệu từ tiền bán chim nhưng cũng có khi bỏ xác chốn rừng thiêng. Nghề này sơ suất một chút là tính mạng đi đứt, nhưng vì mưu sinh chúng tôi phải chấp nhận thôi."
Sôi động chợ chim
Mỗi ngày ở địa bàn Nghệ An có hàng chục ngàn con chim bị bắt. Số lượng chim này được người dân đem bán ở hai bên đường, ở chợ...Tại chợ Dinh, xã Hoa Thành ( Yên Thành), cảnh mua bán chim hoang dã khá sôi động. Chim được nhốt trong lồng xếp thành hàng dài giằng dặc, tiếng ồn ào cộng với tiếng hót, tiếng kêu của hàng chục loài chim tạo nên mớ âm thanh hỗn độn, huyên náo cả một vùng.
Người nào bán ít cũng có 5- 7 lồng chim. Có lồng chỉ nhốt một con, có lồng nhốt 25- 30 con. Chủng loại thì đủ cả, từ chích choè lửa, sáo, chào mào, khướu bạc má, sơn ca, hoạ mi, vành khuyên, cắt, cú mèo, diều hâu… Anh Hải một người bán chim cho biết cho biết:
" Bây giờ người ta đua nhau mua chim về nuôi nên chúng tôi cũng kiếm ăn được. Phiên chợ nào cũng hết chim. Mỗi phiên chợ trung bình có khoảng vài ngàn con chim các loại được mua, bán."
Tiếp tục xuôi các chợ ở Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu… chúng tôi thấy thực trạng buôn bán chim cũng sôi động không kém . Thậm chí hàng trăm lồng chim hoang dã được công khai bày bán trên quốc lộ 1A. Ngay tại trung tâm TP. Vinh nhiều chợ chim, quầy hàng bán chim hoang dã tự phát mọc lên như nấm sau mưa.
Theo quy luật cung cầu của thị trường, từ đây đã sản sinh nhiều lái chim giàu phất một cách trông thấy. Châu, một đại gia mới phất từ nghề lái buôn bán chim cảnh ở Đô Lương tâm sự :". Đối với những người đam mê thì chim cảnh không có giá nên nhiều lúc lại vô tình thu lợi cả trăm triệu đồng Một con chim bán trao tay có thể chênh lệch 1 triệu đến hàng chục triệu đồng là chuyện thường”.
Ngoài các lái chim thì ở Nghệ An cũng nổi lên nhiều đại gia chơi chim cảnh sở hữu hàng trăm con chim quý trong nhà, có giá trị hàng tỉ đồng. “Những đại gia này mua những chú chim quý về chăm sóc và huấn luyện nhưng ai mua được giá vẫn bán, có những con chim cảnh có giá trị bằng cả chiếc xe hơi đời mới.” Châu cho biết.
Từ thú chơi chim nên việc sản xuất lồng chim ở địa bàn Nghệ An cũng rất nhộn nhịp. Hàng trăm cơ sở, đại lý, sản xuất lồng chim mọc lên với đủ chủng loại mẫu mã, nào lồng inox, lồng tre, lồng gỗ… Những cửa hàng này cũng người mua kẻ bán tấp nập. Như vậy những cơ sở sản xuất, cửa hàng bán lồng chim cũng thu bộn tiền từ nghề này.
Hiện nay thực trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển chim cảnh đang từng giờ, từng phút diễn ra trên địa bàn Nghệ An nhưng nghịch lý là các ngành chức năng vẫn không hề lên tiếng.
Đề nghị các ngành chức năng về môi trường ở nghệ An cần sớm có chỉ thị cấm và xử phạt đối với hành vi săn bắt chim để cứu lấy loài chim thoát khỏi thảm họa hủy diệt của con người.