Phỏng vấn ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương về những nội dung trên.
Không khác với chợ truyền thống, tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán trên các trang mạng cũng rất "sầm uất". Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Sàn thương mại điện tử cũng là thực thể tương tự như chợ trên thực tế, còn người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử tương tự như các tiểu thương bán hàng trên các chợ. Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bán trên môi trường mạng mà vẫn được bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại...
Thương mại điện tử chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống. Vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch. Khi hàng hóa đã được đưa ra thị trường thì các đối tượng có thể chọn bán qua nhiều kênh khác nhau như các mạng xã hội, các website miễn phí, các sàn thương mại điện tử... nên rất khó để kiểm soát.
Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công an, Biên phòng, Hải quan, Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.
Hiện nay các văn bản pháp lý, theo ông, đã đủ chặt chẽ để ngăn chặn hàng giả hàng nhái trên thương mại điện tử chưa?
Năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khai Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2020 của Chính phủ về thương mại điện tử, từ đó lắng nghe và ghi nhận các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi pháp luật về thương mại điện tử.
Đồng thời, thông qua phản ánh của người dân trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn cũng như các vụ việc được các cơ quan báo chí thông tin, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra về thương mại điện tử tổ chức hàng năm, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổng kết tình thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Theo đó, tôi cho rằng, hành lang pháp lý cho thương mại điện tử hiện nay chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển nhanh chóng của mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ này. Cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn đối với việc kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử...
Chính từ những thực tiễn nêu trên, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 7/10/2020. 4 chính sách được thông qua bao gồm: thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài. Hiện dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Dự kiến Nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành vào quý I/2021.
Về chế tài, ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó đã bổ sung chế tài đối với hành vi "cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet".
Nhiều ý kiến cho rằng, 97% các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được xử lý hành chính nên hiệu quả không cao. Vậy chúng ta cần những giải pháp trọng tâm nào để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay?
Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, Cục đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị soạn thảo, trình Bộ trưởng ban hành Quyết định số 3304/QĐ-BCT Kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử giai đoạn 2018 – 2020.
Trong đó đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Rà soát phân loại website có dấu hiệu vi phạm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, các cán bộ thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường. Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt các chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật. Phối hợp với các đơn vị trong Bộ, các Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội và các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Tập huấn nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nhằm tăng cường công tác phối hợp, quản lý và giám sát người bán trên các sàn tuân thủ đúng các quy định pháp luật, hạn chế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Vậy với doanh nghiệp thì sao, thưa ông, khi không ít doanh nghiệp biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu... khiến công tác chống hàng giả càng khó khăn?
Chúng ta cần tuyên truyền giúp doanh nghiệp hiểu và có trách nhiệm bảo vệ, kiểm soát hàng hóa của mình. Doanh nghiệp cố gắng làm sao xã hội hóa để toàn dân cùng bảo vệ hàng hóa cho mình (người dân phát hiện hàng giả thì công ty có thể thưởng). Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm cho người tiêu dùng biết và tránh. Doanh nghiệp cần theo dõi sát tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền sở hữu trí tuệ là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải bảo vệ. Hơn ai hết, chính doanh nghiệp cần dần bỏ đi suy nghĩ coi công tác chống hàng giả, hàng nhái chỉ là của cơ quan chức năng.
Trước xu thế mua hàng trực tuyến đang ngày càng phát triển, ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng tránh được rủi ro khi mua sắm online?
Tôi cho rằng, người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chỉ nên mua hàng trên các website uy tín, hợp pháp. Chúng ta có thể tra cứu thông tin về các website đã tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương trên website Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn. Cũng như kiểm tra kỹ thông tin về người bán sản phẩm: tên doanh nghiệp hoặc thương nhân, thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin liên hệ, số điện thoại cố định, đường dây nóng, email, các tài khoản hỗ trợ trực tuyến và thông tin sản phẩm được bày bán phải được công bố chi tiết, đầy đủ, rõ ràng.
Kiểm tra mức độ uy tín của người bán trên môi trường trực tuyến. Có thể sử dụng các công cụ trên mạng để tìm kiếm, so sánh giá và xem đánh giá của khách hàng đối với sản phẩm, người bán trước khi mua hàng. Đọc kỹ các điều khoản, các chính sách bán hàng của website. Đọc kỹ các điều khoản giao dịch như: thanh toán, giao hàng, chính sách đổi trả hàng, điều kiện hoàn tiền, phí vận chuyển, bảo hành... trước khi mua. Mặt khác, cần lưu trữ các thông tin giao dịch một cách đầy đủ. Những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp (nếu có) trong giao dịch.