Sai phạm tại cao tốc TPHCM - Trung Lương: Ông Đinh La Thăng tiếp tục hầu tòa

GD&TĐ - Liên quan đến những tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT và Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cùng 18 bị cáo chuẩn bị ra tòa

Bị cáo: Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường, Đinh Ngọc Hệ (từ trái qua). Ảnh: CTV.
Bị cáo: Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường, Đinh Ngọc Hệ (từ trái qua). Ảnh: CTV.

20 bị cáo hầu tòa

Theo Quyết định của Tòa án nhân dân TPHCM, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) và 18 đồng phạm, trong vụ án tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương, sẽ diễn ra từ ngày 14/12 tới hết ngày 25/12.

Trong số các bị cáo bị truy tố, có 7 bị cáo nguyên là lãnh đạo Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc, gồm: Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính), Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh (nguyên Tổng Giám đốc và Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng Công ty Cửu Long), bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Trường đã bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2017) vì có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng và Ban Bí thư đã kỷ luật về Đảng.

Ông Nguyễn Hồng Trường được xác định trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ này.

Ông Nguyễn Hồng Trường cũng chịu trách nhiệm cá nhân về việc ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT; đề nghị phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa... không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp...

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu cầm đầu và lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Đổng thời, 12 đồng phạm khác bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo.

Hội đồng xét xử gồm có Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Văn Trực, thẩm phán Vũ Tất Trình. Đại diện VKSND tối cao và Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa có ông Nguyễn Mạnh Thường, ông Lê Hữu Ngọc, ông Tô Hữu Thông, bà Trần Thị Liên và ông Ngô Phạm Việt.

Vụ án liên quan đến Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt Tổng Công ty Cửu Long - thuộc Bộ GTVT), Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh), Công ty CP Licogi 13 và một số công ty khác.

Gây thiệt hại hơn 725 tỷ đồng

Tuyến đường thuộc dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương liên quan đến vụ án. Ảnh: CTV
Tuyến đường thuộc dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương liên quan đến vụ án. Ảnh: CTV

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỷ đồng để triển khai. Tổng công ty Cửu Long được giao quản lý dự án và thu phí từ ngày 25/2/2012. Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, khi dự án hoàn thành sẽ bán lại quyền thu phí cho doanh nghiệp (DN) khác để lấy tiền đầu tư hạ tầng.

Với vai trò là người đứng đầu Bộ GTVT, bị cáo Đinh La Thăng được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, đã ký văn bản số 7331 đề nghị tìm đối tác để bán quyền thu phí tại dự án này.

Tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Thăng đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long - thuộc Bộ GTVT) để công ty của Đinh Ngọc Hệ - đang kinh doanh thua lỗ, không đủ năng lực tài chính, mua được quyền thu phí.

Hành vi này của ông Thăng bị cáo buộc vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Đồng thời, ông Thăng biết việc Công ty Yên Khánh kéo dài, không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời hạn, vi phạm quy chế bán đấu giá và hợp đồng, phải bị chấm dứt trước thời hạn. Khi biết sự việc trên ông Thăng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà còn yêu cầu cấp dưới để doanh nghiệp trả từ từ.

Ngoài ra, ông Thăng còn bút phê đồng ý đề xuất của Công ty Yên Khánh (công ty của Út “trọc” làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm), đồng thời đề nghị cho công ty Yên Khánh cấn trừ vào số tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí dẫn đến Công ty Yên Khánh tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định, hưởng lợi.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao nhận định hành vi của ông Thăng là trái với quy định của Nhà nước và đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Sai phạm của ông Thăng dẫn đến thiệt hại hơn 725 tỷ đồng (bị Út “trọc” chiếm đoạt).

“Hành vi của ông Đinh La Thăng là trái với quy định của Nhà nước và đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát với vai trò chủ mưu, cầm đầu” - Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu.

Cáo trạng cũng xác định, bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo tài chính để đủ điều kiện tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, Đinh Ngọc Hệ kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí, đồng thời chỉ đạo cấp dưới dùng hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương thế chấp tại ngân hàng để vay 1.703 tỷ đồng.

Trong quá trình thu phí, Đinh Ngọc Hệ tiếp tục có hành vi gian dối, chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm của Công ty Xuân Phi, che giấu doanh thu, báo cáo không đúng doanh thu thực, từ đó chiếm đoạt 725 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.