Sai phạm tại Bệnh viện Mắt TPHCM: Bắt thêm một Phó Giám đốc và 3 cán bộ

GD&TĐ - Liên quan những sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Mắt TPHCM, thêm một Phó Giám đốc và 3 cán bộ, viên chức thuộc đơn vị này bị khởi tố bị can và bắt tạm giam.

Bệnh viện Mắt TPHCM, nơi xảy ra các sai phạm.
Bệnh viện Mắt TPHCM, nơi xảy ra các sai phạm.

“Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”

Theo đó, mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Bệnh viện Mắt TPHCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01), Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam thêm 4 đối tượng là cán bộ, viên chức thuộc đơn vị này,  gồm: Nguyễn Trí Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM; Phan Thị Bích Hạnh - Trưởng phòng Tài chính - Kế toán; Nguyễn Đỗ Nguyên - Trưởng khoa Tổng hợp và Lương Ngọc Tuấn - Phó Trưởng khoa Khám mắt.

Các bị can đều cư ngụ tại TPHCM. Đây được xem là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Mắt TPHCM.

Trước đó đầu tháng 2/2021, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can là cán bộ Bệnh viện Mắt TPHCM, gồm: Nguyễn Minh Khải (nguyên Giám đốc), Võ Thị Chinh Nga (nguyên Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức) để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Minh Khải, thời điểm đang là Giám đốc bệnh viện, chỉ đạo một số bác sĩ là thành viên hội đồng đánh giá hàng mẫu, định hướng thống nhất làm sai lệch kết quả xét thầu để loại sản phẩm dự thầu của nhà thầu Công ty Codupha.

Cụ thể, ông Khải biết các mặt hàng tham gia dự thầu của các nhà thầu Công ty Codupha, Công ty Tâm Hợp, Công ty Hào Tín trong các phần thầu cùng tương đương đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.

Tuy nhiên, ông Khải chỉ đạo thuộc cấp lấy “ý kiến đánh giá của hội đồng đánh giá về chuyên môn kỹ thuật” sử dụng các tiêu chí không được quy định trong hồ sơ mời thầu để đánh giá “không đạt” yêu cầu kỹ thuật đối với mặt hàng dự thầu của Công ty Codupha trái luật. Các bị can còn có nhiều hành vi sai phạm khác “làm xiếc” để hai công ty khác trúng thầu.

Đến tháng 11/2020, Cơ quan CSĐT đã khám xét Bệnh viện Mắt TPHCM để điều tra những sai phạm về đấu thầu liên quan đến việc nâng giá thiết bị thủy tinh thể nhân tạo. Tại phòng làm việc của ông Nguyễn Minh Khải (Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM) và các phòng ban khác, cơ quan điều tra thu giữ nhiều thùng lớn tài liệu.

Trước đó, cuối tháng 10/2017, Thanh tra TPHCM đã có kết luận về hàng loạt sai phạm ở Bệnh viện Mắt TPHCM trong việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi riêng của bệnh viện này. Trong kết luận thanh tra, Bệnh viện Mắt TPHCM đã xảy ra quá nhiều sai phạm trong quá trình tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động, quản lý, sử dụng tài chính mang tính hệ thống một cách tùy tiện...

Trên cơ sở kết quả thanh tra, số tiền hơn 283 tỷ đồng là số tiền còn tồn của Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu Kỹ thuật cao được Bệnh viện Mắt quản lý, hạch toán riêng, không phản ánh vào Báo cáo tài chính của Bệnh viện Mắt và số tiền hơn 8,1 tỷ đồng thu vượt quá so với quy định tại cơ cấu giá phẫu thuật Lasik thường quy từ năm 2013 - 2016 từ tài khoản tạm giữ của Thanh tra TPHCM được đề xuất chuyển nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố 8 bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Mắt TPHCM.

Từ trái sang phải các bị can: Nguyễn Trí Dũng; Phan Thị Bích Hạnh; Nguyễn Đỗ Nguyên; Lương Ngọc Tuấn.
Từ trái sang phải các bị can: Nguyễn Trí Dũng; Phan Thị Bích Hạnh; Nguyễn Đỗ Nguyên; Lương Ngọc Tuấn.

Người bệnh bị “móc túi”

Liên quan vụ án, Cơ quan CSĐT (C01) từng ra thông báo tìm người bị hại trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Bị hại trong vụ án được xác định là những bệnh nhân từng sử dụng dịch vụ thay thủy tinh thể nhân tạo tại bệnh viện với giá cao hơn so với thực tế và bị “móc túi” số tiền không hề nhỏ.

Kết quả điều tra đến nay xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TPHCM tổ chức thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018” để mua sắm vật tư phục vụ điều trị, khám chữa bệnh.

Trong đó, mục tiêu mua sắm hơn 53.000 thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu các loại, tổng vốn đầu tư 184 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn thu viện phí, từ Quỹ Bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu khác.

Khi thực hiện đấu thầu mua sắm, một số cá nhân là lãnh đạo bệnh viện này đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, rồi mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao gồm: Thủy tinh thể nhân tạo CT Asphina 509 M với giá 3,1 triệu đồng/cái, thủy tinh thể nhân tạo CT Asphina 509 MP với giá 3,6 triệu đồng/cái, thủy tinh thể nhân tạo CT Lucia 601PY với giá 3,4 triệu đồng/cái và hủy tinh thể nhân tạo CT Lucia 201P với giá gần 3 triệu đồng/cái.

Những hành vi trái pháp luật này đã làm bảo hiểm y tế và người bệnh phải chi trả thêm phần chênh lệch cao hơn khi Bệnh viện Mắt TPHCM chọn mặt hàng thủy tinh thể có giá cao hơn trúng thầu trái quy định.

Tại thời điểm đó, Cơ quan CSĐT xác định vụ án đã gây thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng. Cụ thể, gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế 5,2 tỷ đồng, người bệnh có bảo hiểm y tế 7,1 tỷ đồng và người bệnh không có bảo hiểm y tế hơn 1,8 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, trong năm 2016, Bệnh viện Mắt TPHCM chi trả chi phí thuê 3 hệ thống máy phẫu thuật Phaco Centurion Vision System, 1 hệ thống máy phẫu thuật dịch kính võng mạc Constellation Vision System và 4 hệ thống kính hiển vi phẫu thuật mắt Opmi Lumera i theo số liệu tổng hợp về số ca phẫu thuật trong khi không xác định được cụ thể từng ca phẫu thuật là quản lý tài chính thiếu chặt chẽ.

Ngoài ra, bệnh viện này còn sử dụng 2 hệ thống kính hiển vi phẫu thuật mắt không đúng quy định làm thất thoát số tiền gần 200 triệu đồng.

Ngoài ra, Thanh tra TPHCM còn chỉ ra từ năm 2013 - 2016, Bệnh viện Mắt TPHCM thu vượt so với quy định cơ cấu giá phẫu thuật Lasik với tổng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Đặc biệt là nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng trong hơn 3 năm gần đây của riêng Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu và các khoản chi chưa được kiểm tra, kiểm toán, không được bệnh viện đưa vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hằng năm của bệnh viện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ