Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh chân tay miệng ở trẻ có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ bệnh sang trẻ lành.
Bệnh chân tay miệng ở trẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ… Bệnh thường có những dấu hiệu khác nhau tùy vào từng giai đoạn cụ thể của bệnh. Dưới đây là những sai lầm của người lớn khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng càng nặng thêm, cha mẹ cần tham khảo để chăm sóc con tốt hơn.
Vệ sinh sai cách
Trẻ mắc tay chân miệng, trong miệng thường có những tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra tạo thành vết lở loét, để sát trùng nhiều mẹ dùng muối, chanh khiến cho da trẻ càng tổn thương nhiều. Hay như quan niệm trẻ cần phải kiêng tắm gội. Thật ra nếu kiêng như vậy sẽ làm cho trẻ khó chịu hơn vì bị ngứa và có thể gây nên nhiễm trùng da đi kèm.
Chỉ lưu ý là khi tắm cho trẻ nên ở phòng kín, không dùng xà phòng, tránh làm vỡ nốt phỏng, làm các vết loét nặng hơn và tăng nguy cơ bị bội nhiễm. Sau khi tắm thì nên sử dụng các thuốc bôi như betadine sát khuẩn. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ. Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước vì sẽ có tác dụng làm sạch miệng.
Ủ ấm khi trẻ sốt
Trẻ bị tay chân miệng có thể sốt. Bố mẹ chỉ nên cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Đặc biệt, khi trẻ sốt, phụ huynh cần phải cho con ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi; tuyệt đối không ủ ấm trẻ.
Tự ý truyền dịch
Việc tự ý truyền dịch tại nhà do bị sốt khi bị tay chân miệng có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Cha mẹ nên cho con uống nước cam, các loại quả giàu vitamin C vàvệ sinh sạch sẽ cả thau chậu tắm giặt, ngừa virus bám lại trên tay và gây bệnh cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là những người trông trẻ, giáo viên ở các trường học càng cần chú ý hơn.
Ép trẻ ăn
Nhiều cha mẹ cứ nghĩ ép con ăn giúp tăng sức đề kháng cho con khi ăn no mà không biết đó là sai lầm. Khi con từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép vì sẽ khiến bé sợ hãi. Thay vào đó có thể cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để bù lại. Mẹ cũng chú ý cho con ăn thêm nhiều hoa quả trái cây để tăng cường vitamin. Với các bé đang bú mẹ thì cần cho bé bú nhiều lần trong ngày.
Không cách ly trẻ
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, họng, chất dịch từ mụn nước… của người bệnh. Tuy nhiên, có nhiều gia đình không ý thức được nên vẫn cho trẻ đến lớp, chơi với trẻ khác khi con có dấu hiệu bệnh, dẫn tới dịch lây lan rộng hơn. Trẻ bị tay chân miệng cần được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, một số trường hợp nhầm bệnh với loét miệng nên điều trị muộn. Nếu là viêm loét miệng bình thường, các vết loét thường nhỏ, xuất hiện ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi. Khi có bọng nước, lại xuất hiện các triệu chứng nặng như nôn ói, sốt cao khó hạ… cần đưa trẻ vào viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.