Tại trung tâm Khám Tư vấn Dinh dưỡng Trẻ em vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp phụ huynh dẫn con nhỏ đến khám vì thấy con quấy khóc, hay ra mồ hôi trộm.
Qua thăm khám nhiều bậc cha mẹ khá ngỡ ngàng vì dù đã cho con ăn nhiều thức ăn giàu canxi, tích cực tắm nắng và sử dụng thực phẩm bổ sung canxi nhưng con vẫn có các biểu hiện điển hình thiếu loại vi dưỡng chất này.
Ăn mặn là một trong những thủ phạm khiến trẻ thấp còi và thiếu hụt canxi. Ảnh minh họa.
Trở lại tái khám lần hai, chị Nguyễn Thanh X. (35 tuổi – Cầu Giấy – Hà Nội) đang nuôi con nhỏ 4 tuổi, bé thường xuyên đau ốm, khó ngủ và hay ra mồ hôi trộm, mũi hay bị nghẹt, khó thở, giống như bị cảm, đặc biệt là nhẹ cân.
Trước đây khi đã đi khám và được bác sĩ tư vấn dinh dưỡng, bổ sung nhóm thực phẩm như rau màu xanh đậm, cam quýt, hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa… cân nặng và sức khỏe của bé đã có nhiều cải thiện, song so với tiêu chí cân nặng tương đương với nhóm tuổi, cân nặng của bé chưa đảm bảo.
Được biết việc sinh hoạt ăn uống của cháu bé ở nhà chưa thực sự khoa học, bé thường xuyên được mẹ và bà nêm đồ ăn quá mặn. Đặc biệt khẩu phần ăn của bé có quá nhiều chất xơ, dẫn đến việc cháu thiếu hụt canxi, suy dinh dưỡng, thấp còi.
Qua nghiên cứu và thăm dò khảo sát từ các chuyên gia, căn nguyên cơ bản nhất dẫn đến trẻ thiếu hụt canxi dẫn đến còi xương, thấp còi chính là thói quen ăn mặn, nhiều đạm và đồ uống kích thích
Tiến sĩ Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong ba thập kỷ từ 1985 đến 2014 đã được cải thiện đáng kể.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi đã giảm nhưng tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao, đặc biệt là thiếu canxi. Khẩu phần của trẻ chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu canxi và gần 11% nhu cầu vitamin D của cơ thể theo mức khuyến nghị.
Bác sĩ Nga cho rằng trẻ thiếu canxi là do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, dẫn đến những cách chăm sóc sai lầm, cung cấp dinh dưỡng không hợp lý. Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn dặm quá sớm hoặc không đúng cách, thức ăn không đa dạng, lựa chọn thực phẩm chưa phù hợp. Cha mẹ cho trẻ ăn nhiều đạm và quá mặn dẫn đến kém hấp thụ canxi.
Tiến sĩ Nga cho biết: "Trẻ ăn mặn, ăn nhiều đạm, đồ ăn có chất kích thích hoặc quá nhiều chất xơ, ngũ cốc sẽ dẫn đến hụt canxi".
Cha mẹ cần bổ sung nhóm thực phẩm như rau màu xanh đậm, cam quýt, hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa để hạn chế trẻ thiếu canxi. Ảnh minh họa.
99% canxi trong cơ thể nằm ở xương và răng, 1% còn lại lưu thông trong máu để giữ đều nhịp tim, giãn cơ, dẫn truyền xung động thần kinh, tham gia vào yếu tố đông máu... Trẻ thiếu canxi sẽ bị còi xương, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Trẻ sơ sinh thiếu canxi có thể quấy khóc về đêm, nếu nặng thì khó thở, co cứng toàn thân, mặt tím tái, thở nhanh. Trẻ từ một đến 11 tháng tuổi sẽ đổ mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, chậm mọc răng, chậm vận động, chậm phát triển chiều cao. Lớn dần, nếu vẫn thiếu canxi, trẻ nguy cơ bị chân vòng kiềng, lồng ngực nhỏ, thấp còi.
"Canxi có nhiều trong đậu, trứng, rau màu xanh đậm, cam quýt, hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa. Chế độ ăn hàng ngày chỉ đáp ứng được trung bình 50% nhu cầu canxi của trẻ. Vì vậy phải bổ sung thêm lượng canxi còn thiếu", bác sĩ Nga nói.
Chuyên gia cho biết, cách bổ sung canxi đúng cách là cha mẹ nên chọn chế phẩm canxi dễ hấp thu cho trẻ, bổ sung thêm vitamin D3, vitamin K2, uống nhiều nước và kết hợp vận động, tắm nắng, ngủ đủ giấc.