Sách Trắng EuroCham năm 2019: Giáo dục tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam

GD&TĐ - Sách Trắng năm 2019 cuả Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được công bố đã đưa ra nhiều nhận định quan trọng về GD tại Việt Nam trong phần nêu vấn đề và kiến nghị liên quan đến nguồn nhân lực. Theo các chuyên gia của EuroCham, GD vẫn là ưu tiên hàng đầu, tạo động lực cho quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Lễ công bố sách trắng EuroCham năm 2019. Ảnh: T.G
Lễ công bố sách trắng EuroCham năm 2019. Ảnh: T.G

Những bước tiến từ khi Nghị định 86 ra đời

Sách Trắng năm 2019 của EuroCham khẳng định nền kinh tế Việt Nam có những thành tựu đáng kể là nhờ những nỗ lực trong việc đào tạo lực lượng lao động và tạo cơ hội cho người dân tiếp cận GD chất lượng cao. GD chất lượng cao đã trang bị cho thế hệ trẻ kỹ năng làm việc hiệu quả. Trong năm 2018, Chính phủ Việt Nam có nhiều cải cách GD quan trọng, đơn cử như việc ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP (Nghị định 86) ngày 6/6/2018, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD.

Theo Nghị định 86, các trường học và nhà trẻ có thể liên kết với các tổ chức GD nước ngoài được Chính phủ công nhận và hướng dẫn hoạt động. Chính phủ sẽ xây dựng hành lang pháp lý để tạo cơ sở tích hợp các khóa học trong và ngoài nước. SV tốt nghiệp các khóa học này nhận được chứng chỉ có hiệu lực tại Việt Nam và nước ngoài.

SV Việt Nam mới ra trường từ các cơ sở GD Việt Nam cần được trang bị kiến thức thực tế, kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, sự linh hoạt, tư duy nhạy bén và khả năng hòa nhập tốt khi gia nhập thị trường lao động vốn thay đổi và phát triển không ngừng. Nghị định 86 cho phép cơ sở đào tạo nước ngoài hỗ trợ các nỗ lực từ phía Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo.

Nhằm khuyến khích hơn nữa đầu tư nước ngoài vào GD, các tổ chức GD công lập trong nước được phép hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế của tư nhân để tiến hành đào tạo giáo viên làm việc trong hệ thống trường công lập. Quan hệ đối tác này cung cấp những chương trình GD tổng hợp, có kết hợp học trực tuyến và nghiên cứu trực tiếp nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế và hỗ trợ HS một số kỹ năng cần thiết để tham gia vào các ngành mới nổi.

EuroCham khuyến nghị gì?

Sách Trắng năm 2019 nhận định môi trường học tập ngày càng thay đổi, các tổ chức giáo dục đang tìm cách tăng cường việc học tập trải nghiệm cũng như rút gọn các nội dung học tập, chú trọng hơn vào e- learning. Vì thế, GD đã vượt ra khỏi phạm vi các khóa học và lớp học truyền thống. Học tập với các tổ chức GD quốc tế hoạt động tại Việt Nam giúp sinh viên dễ dàng được nhận vào những đơn vị tuyển dụng hàng đầu và mang đến cơ hội trải nghiệm đa văn hóa thông qua sự hiện diện của giảng viên quốc tế.

Liên quan đến GD-ĐT kỹ thuật và dạy nghề, EuroCham đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành cân nhắc tham khảo kinh nghiệm của khu vực tư nhân. Cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm việc với đại diện các ngành và cơ sở giáo dục tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến kỹ năng sử dụng máy tính, mã hóa, kiến thức khoa học cơ bản, kỹ năng kinh doanh, công nghệ, khởi nghiệp.

Một đề xuất đáng lưu ý từ phía EuroCham là Chính phủ nên xem xét giảm áp lực lên các tổ chức GD quốc tế bằng cách miễn đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên nước ngoài vì đây là lực lượng lao động đáng kể được tuyển dụng và họ chỉ làm việc trong thời gian ngắn, chưa kể công tác quản lý hạn ngạch lao động còn rất chặt chẽ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ