Sách mang điều kỳ diệu đến học trò vùng sâu Đắk Lắk

GD&TĐ - Ngày 14/4, tại trường THPT Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023 với chủ đề “Sách và những chân trời mới”.

Học sinh huyện biên giới Buôn Đôn với Ngày sách Việt Nam năm 2023.
Học sinh huyện biên giới Buôn Đôn với Ngày sách Việt Nam năm 2023.

Chương trình do UBND tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, UBND huyện Buôn Đôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn Đắk Lắk phối hợp tổ chức. Ngoài ra còn có sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2023.
Các đại biểu tham dự Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2023.

Tham dự có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam; nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh; ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn; TS. Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở VHTTDL; bà Phan Thị Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn; đại diện các đơn vị đồng hành, nhà tài trợ cùng với hơn 1.300 học sinh, giáo viên và người dân trên địa bàn huyện Buôn Đôn.

Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh phát biểu tại Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023.

Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh phát biểu tại Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023.

Sân khấu hóa tác phẩm Văn học tạo ấn tượng tại Ngày hội

Những nội dung chính của các tác phẩm Văn học dân gian, Văn học trung đại đến hiện đại trong nhà trường phổ thông, được tái hiện sinh động qua phần sân khấu hoá của các em học sinh huyện Buôn Đôn.

Nhân vật T' nú và Mai (tác phẩm: Rừng xà Nu của Nguyễn Trung Thành) do các em học sinh THPT Buôn Đôn hóa trang.

Nhân vật T' nú và Mai (tác phẩm: Rừng xà Nu của Nguyễn Trung Thành) do các em học sinh THPT Buôn Đôn hóa trang.

Từ đây, những nhân vật Văn học như: Đăm Săn, Thị Mầu, T’ nú, Chí Phèo, Mị, A Phủ, Rô-Mê-Ô, Ju-Li-Ét… như hiện nguyên mẫu với những nét tính cách đặc trưng. Đặc biệt, sự kết hợp giữa âm nhạc, lời dẫn và ngôn ngữ hình thể mang sắc màu tuổi teen đã tạo điểm nhấn sâu đậm với mọi người.

Tái hiện lại hoạt cảnh "Thị Mầu lên chùa", trích Quan Âm Thị Kính.

Tái hiện lại hoạt cảnh "Thị Mầu lên chùa", trích Quan Âm Thị Kính.

Theo đại diện Ban tổ chức, việc khái quát các hình tượng Văn học đang học trong nhà trường góp phần giúp các em thấy được giá trị của sách, nhất là các tác phẩm văn học. Đồng thời, các em có dịp để khắc sâu kiến thức môn học.

Học sinh huyện Buôn Đôn với Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2023.

Học sinh huyện Buôn Đôn với Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2023.

Phát biểu tại ngày hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ Tây Nguyên sẽ viết tiếp khát vọng Đăm Săn, xây dựng Tây Nguyên thành miền đất kỳ vĩ, mến khách.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ Tây Nguyên.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ Tây Nguyên.

“Tạo hóa ban cho nơi đây sự kỳ vĩ, nhưng con người Tây Nguyên bao thế hệ đã dựng lên nền văn hóa sâu sắc, lớn lao cho Việt Nam và thế giới. Hôm nay, ngày hội đọc sách diễn ra ở huyện biên giới Buôn Đôn, những quyển sách sẽ mở ra một thời đại mới cho thế hệ trẻ. Bởi sách vô cùng quan trọng. Tri thức vô cùng quan trọng. Chính nhờ sách, mà bản thân tôi đã tự mở ra cho mình con đường đi từ trong chiến tranh gian khổ cho đến tận hôm nay”, nhà thơ Xuân Thiều nói.

Học sinh huyện Buôn Đôn với Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2023.

Học sinh huyện Buôn Đôn với Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2023.

Nhà thơ Quang Thiều cũng gửi gắm vào thế hệ trẻ Tây Nguyên: “Nếu các em không học, không đọc sách, không yêu thương con người và không ghi nhớ công lao của tổ tiên trên mảnh đất Tây Nguyên thì sẽ làm cho Tây Nguyên biến mất. Nhưng, Tây Nguyên sẽ lớn mạnh hơn nữa, kỳ vĩ hơn nữa, đẹp hơn nữa bởi chính các em. Chúng tôi đợi chờ điều đó trong một niềm tin bất diệt rằng, những học sinh, những con cháu của Tây Nguyên sẽ quyết định đưa vùng đất này trở nên kỳ vĩ, lớn lao và mến khách”.

Mang điều kỳ diệu đến với học trò vùng sâu

Trong niềm phấn khởi khi được tham gia Ngày hội, em Nguyễn Thị Hồng Hạnh - lớp 10A9 (Trường THPT Buôn Đôn) chia sẻ, em rất thích câu nói của Thomas Carlyle: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”.

Hoạt cảnh Thúy Kiều - Kim Trọng (trích: Truyện Kiều - Nguyễn Du) mang lại nhiều ấn tượng cho mọi người.

Hoạt cảnh Thúy Kiều - Kim Trọng (trích: Truyện Kiều - Nguyễn Du) mang lại nhiều ấn tượng cho mọi người.

Theo Hồng Hạnh, bạn tự nhận thấy mình may mắn vì được tham dự một ngày hội lớn như vậy.

“Đây là một ngày không chỉ có ý nghĩa với riêng em, mà còn có ý nghĩa với tất cả các bạn học sinh. Đặc biệt, những học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như chúng em, thì đây là cơ hội hiếm có để gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ, nhà văn. Niềm khát khao từ lâu, hôm nay thành hiện thực. Chúng em được gặp, được trò chuyện trực tiếp với các nhà văn, nhà thơ mà chúng em yêu mến chứ không phải tự đọc tiểu sử, hay đọc qua mạng”, Hồng Hạnh hồ hởi khoe.

Còn với những bậc làm cha, làm mẹ, vốn chân lấm tay bùn, nay cũng hồ hởi đến Ngày hội.

Rất đông phụ huynh và người dân đến dự Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023 tại Trường THPT Buôn Đôn.

Rất đông phụ huynh và người dân đến dự Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023 tại Trường THPT Buôn Đôn.

Chị Nông Thị Chiên và nhóm bạn (ở xã biên giới Krông Ana – huyện Buôn Đôn) tâm sự, chúng tôi được con đang học ở trường Buôn Đôn thông tin, hôm nay có ngày đọc sách, có cả những nhà văn, nhà thơ lớn ở Hà Nội vào. Vì thế, chúng tôi quyết định nghỉ đi lên nương rẫy để đến đây nghe và xem.

“Thực sự là rất mong các con chăm học, chăm đọc sách để hiểu biết hơn chúng tôi. Còn mong con thành đạt thì cũng chả biết anh ạ!”, chị Chiên bộc bạch.

Tại Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023, học sinh còn được trải nghiệm đan len.

Tại Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023, học sinh còn được trải nghiệm đan len.

Tại Ngày hội, Ban tổ chức cũng bố trí không gian để tổ chức các hoạt động: thi trưng bày sách, trải nghiệm STEM, trải nghiệm nghề truyền thống, khu ẩm thực với đặc sản cà phê Buôn Ma Thuột…

Hội Nhà văn Việt Nam tặng sách cho các em học sinh.

Hội Nhà văn Việt Nam tặng sách cho các em học sinh.

Nhân dịp này, Hội nhà Văn Việt Nam đã trao tặng hàng ngàn cuốn sách cho các em học sinh. Ban tổ chức trao tặng 54 suất học bổng, trị giá mỗi suất là 500.000 đ cho các học sinh có nhiều cố gắng trong học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ