Sách giáo khoa mới lấy người học làm trung tâm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sách giáo khoa mới lấy người học làm trung tâm giúp học sinh vận dụng kiến thức, kinh nghiệm vào cuộc sống.

Chương trình sách giáo khoa mới lấy người học làm trung tâm góp phần tăng khả năng tự học của học sinh.
Chương trình sách giáo khoa mới lấy người học làm trung tâm góp phần tăng khả năng tự học của học sinh.

Chương trình sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm

Đến trường Tiểu học xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, năm học 2022-2023, trường có 386 học sinh các khối lớp, học tập trung ở 5 điểm trường trên địa bàn xã.

Hiện có 79 học sinh mới vào lớp 1 và đang học tập tại 5 điểm trường. Nhà trường có 32 giáo viên tham gia giảng dạy ở các khối lớp. Biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học đều được trang bị đầy đủ.

Thầy giáo Dương Văn Tiệp, hiệu trưởng trường Tiểu học xã Khang Ninh cho biết: "Sau lễ Khai giảng năm học mới, nhà trường đã đưa Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới vào dạy học. Bước đầu, chúng tôi thấy chương trình này có nhiều ưu điểm phù hợp với học sinh dân tộc vùng cao.

Các em vào lớp 1 được học các bài giảng qua trình chiếu trên màn hình sinh động, gần gũi dễ tiếp thu kiến thức. Lớp nào cũng có máy chiếu, ti vi, khi giảng bài thông qua các kênh hình sinh động cuốn hút các em tập trung chú ý bài giảng nhiều hơn. Hiện tại, nhà trường chưa thấy có nội dung nào bị lỗi hay chưa phù hợp".

Cô và trò trường Tiểu học xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đang trong giờ học tập viết.

Cô và trò trường Tiểu học xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đang trong giờ học tập viết.

Cô giáo Mẫn Thị Loan, trường Tiểu học xã Khang Ninh chia sẻ thêm: Đưa Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới vào dạy học có nhiều đổi mới là rất tốt. Qua sự hỗ trợ của phương tiện dạy học áp dụng công nghệ thông tin, các em nhận diện mặt chữ, ghép vần và phát âm nhanh hơn, chuẩn hơn. Viết chữ đúng chính tả.

Tuy nhiên, để có được bài giảng tốt thì yêu cầu giáo viên phải tốn nhiều công sức, trí tuệ, thời gian để soạn giảng rất công phu. Đổi mới để theo kịp thời đại mới, còn những mặt hạn chế thì vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại từng môi trường ở từng địa phương. Các em sớm biết đọc, biết viết và nhớ bài lâu là niềm vui động viên thầy cô thêm yêu trường, mến trẻ, say mê với nghề.

Giáo viên đánh giá cao chương trình mới

Về miền xuôi của tỉnh Thái Nguyên để tìm hiểu vấn đề nêu trên, phóng viên ghi nhận ý kiến của giáo viên và phụ huynh về những ưu điểm chung dễ thấy từ Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới.

Cô giáo Vũ Thị Phương, hiệu trưởng trường tiểu học xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nhà trường đã triển khai thực hiện giảng dạy Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, bước đầu thấy giáo viên và học sinh rất phấn khởi.

Về tổng thể các bộ sách trong chương trình mới trình bày đẹp với nhiều hình ảnh sinh động. Bên cạnh đó, mỗi bài có trình tự sắp xếp liền mạch và khá rõ ràng, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và điều này sẽ thuận lợi cho cả với giáo viên và học sinh trong quá trình tiếp cận bài học.

Để thực hiện tốt Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới vào dạy học thì rất cần có đủ biên chế giáo viên, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ hiện đại, hệ thống công nghệ thông tin và các phương tiện hỗ trợ dạy học khác phải được trang bị đầy đủ.

Không những thế, đội ngũ giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thường xuyên, rèn luyện kỹ năng thực hành về công nghệ thông tin khi áp dụng vào giảng dạy trên lớp.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Kim Cúc, hội viên hội Cựu giáo chức xã Kha Sơn, huyện Phú Bình về sách giáo khoa Tiếng Việt trong Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới: "Sự đổi mới trong sách giáo khoa về dạy phát âm, ghép vần khiến cho các cháu học sinh lớp 1 dễ tiếp cận hơn, đọc nhanh hơn, dễ nhớ mặt chữ.

Các cháu đến trường được học tập có màn hình ti vi, máy chiếu hỗ trợ nên nhận thức nhanh. Đây là điểm khác biệt với các chương trình dạy học trong sách giáo khoa lớp 1 nhiều thập kỷ trước đây. Các cháu đi học về rất thích thú vì bài học dễ nhớ, dễ thuộc, dễ viết chữ"

Còn với cô giáo Nguyễn Thị Dung, trường tiểu học xã Dương Thành, huyện Phú Bình lại đánh giá rất cao Chương trình sách giáo khoa mới cấp tiểu học hiện nay: Bởi, trong tiết học có 4 phần, các em học sinh sẽ cùng nhau khởi động, khám phá, luyện tập, vận dụng. Ví dụ phần khởi động vừa kết hợp kiểm tra bài cũ nhưng tạo ra không khí vui tươi nhẹ nhàng bằng một ví dụ, một trò chơi sinh động nên không tạo áp lực tâm lý cho học sinh.

Sự liên kết kiến thức giữa các phần trong 1 tiết học chặt chẽ, có vận dụng kiến thức bài học vào thực tiễn cuộc sống và ngược lại học sinh tự vận dụng kinh nghiệm sống vào từng bài học. Người học đã thực sự trở thành trung tâm tự chiếm lĩnh tri thức. Môn học nào cũng yêu cầu giáo viên và học sinh chủ động tích cực vận dụng kiến thức trong bài học, mở rộng liên hệ với thực tiễn đời sống sinh động nên rất bổ ích.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học theo chương trình đổi mới sách giáo khoa trong cấp tiểu học, Cô giáo Vũ Thị Phương, hiệu trưởng trường tiểu học xã Thanh Ninh đề nghị: Địa phương tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trường lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập.

Các dãy lớp học được xây dựng từ năm 2004 và sân trường thường xuyên bị ngập nước sau những ngày mưa.

Các dãy lớp học được xây dựng từ năm 2004 và sân trường thường xuyên bị ngập nước sau những ngày mưa.

Huyện Phú Bình có 61 trường mầm non, tiểu học và THCS với tổng số trên 34.000 học sinh (HS), trong khi số lượng giáo viên (GV) biên chế chỉ có 1.506 người (thiếu 127 GV so với nhu cầu thực tế). Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chương trình dạy và học.

Ông Nguyễn Đình Toán, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Bình, cho biết: "Chương trình dạy học ngày càng được cải tiến, đổi mới hiện đại. Để "chạy bon" được khối lượng lớn công việc ấy, ngành giáo dục rất cần được đầu tư đầy đủ cả về nhân lực, biên chế con người và cấp nguồn kinh phí, đáp ứng các yêu cầu về vật chất, cơ sở, hạ tầng...Hiện nay, tình trạng thiếu GV xảy ra trên địa bàn đã nhiều năm. Chúng tôi rất vất vả khắc phục tình trạng đó. Sách hay mà không có đủ người giảng dạy tốt thì rất lấy làm tiếc".

Tìm hiểu được biết, khi đi vào dạy và học chương trình sách giáo khoa lớp 1, lớp 3 mới, khó khăn đối với các trường tiểu học ở thành phố, nơi đông dân cư là quá tải số học sinh trên lớp, thiếu giáo viên đứng lớp theo quy định.

Còn tại các trường tiểu học nông thôn, miền núi dù ở Thái Nguyên hay Bắc Kạn, số học sinh ít hơn, nhưng lại gặp những khó khăn khác về cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, thậm chí cả về sách giáo khoa...

Đây là thực trạng chung rất cần có sự điều chỉnh chính sách, tăng biên chế cho ngành giáo dục, tăng cường đầu tư vốn ngân sách và vốn xã hội hóa cho giáo dục để giảm thiểu những khó khăn nêu trên, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường thực hiện tốt hơn các chương trình cải cách, đổi mới giáo dục hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ