Với lịch sử 60 năm hình thành và phát triển, từ năm 1957 đến nay, hành trình đi cùng tuổi thơ của Nhà xuất bản Kim Đồng luôn gắn liền cùng các hoạt động, như mở các trại sáng tác, các cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi, các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Từ những cuộc vận động sáng tác, nhiều tác phẩm đã ra đời, nhiều tác giả xuất hiện và được tôn vinh, bước vào đường bay của con chữ.
Có thể kể đến một số tác giả - tác phẩm tiêu biểu như: "Búp sen xanh" của Sơn Tùng, "Cát cháy" của nhà văn Thanh Quế (năm 1982), "Ngôi nhà trong cỏ" của Lý Lan, "Bến tàu trong thành phố" của Xuân Quỳnh, "Cầu chữ Y" của Đặng Hấn (năm 1984), "Dòng sông thơ ấu" của Nguyễn Quang Sáng, "Tuổi thơ im lặng" của Duy Khán (năm 1987). Và còn nhiều tác giả - tác phẩm ở những cuộc vận động sáng tác gần đây hơn.
Những tấm lòng yêu thương của Hoàng Bình Trọng được viết từ năm 1979. Dù chiến tranh khốc liệt và có những hi sinh, đau thương mất mát, nhưng câu chuyện mà nhà văn Hoàng Bình Trọng kể về số phận chú bé Lào Thoong-khăm – Triệu Việt vẫn luôn là niềm hi vọng tươi xanh về một tương lai tốt đẹp và an lành.
Cuốn truyện Mùa bay của Nguyễn Trang Thu tuy nhỏ bé, khiêm nhường với vỏn vẹn 17 truyện ngắn, nhưng đã gói gọn trong đó tuổi niên thiếu của cả thế hệ 7x Hà Nội. Qua những kỉ niệm về tình bạn, tình thân, tình yêu chớm nở của các nhân vật trong truyện ta còn thấy được một Hà Nội của những năm 1980 - 1990 thanh bình, đơn sơ nhưng vẫn rất lãng mạn và ấm áp tình người.
Đọc Mùa bay để thấy truyện không lạc lỏng với không gian đương đại, bởi, người trẻ sẽ nhận ra đâu là đời thực đâu là “ảo”, để dành thời gian cho người thân và bạn bè nhiều hơn, hay đơn giản chỉ để dõi theo một cánh diều đỏ thắm trên bầu trời với niềm tin mảnh liệt là ước mơ của mình sẽ được thực hiện và còn nhiều điều lớn lao hơn thế nữa, như cô bé trong truyện Mùa bay. Đó sẽ như là dòng nước mát lành tiếp sức cho mình trong cuộc hành trình để làm một người trưởng thành theo đúng nghĩa.
Cẩm chướng đỏ của Bùi Đặng Quốc Thiều lại chứa đựng trong những tình tiết lãng mạn, vui nhộn. Câu chuyện là những rung động đầu đời, những tình cảm tự nhiên, trong sáng cùng hoài bão của tuổi học trò đầy mơ mộng. Và trên tất cả là tình bạn đẹp tựa những bông hoa cẩm chướng đỏ mãi thắm tươi.
Còn với Nhạc giữa trời của Nguyễn Thị Bích Nga, thì như chính tác giả chia sẻ: “Tôi không cho mình lớn lên. Cô bé trong tâm hồn tôi vẫn non nớt như thế từ bao lâu nay. Cô bé ấy mãi mãi sống trong khu vườn tuổi thơ. Và thế là, cổ tích sẽ còn mãi trong những truyện tôi viết: tình thương yêu giữa con người với con người, giữa con người với loài vật… Trong thế giới cổ tích ấy, không có nỗi cô đơn, không có sự dằn vặt, chỉ có sự nhiệm màu cho tuổi thơ bay bổng thăng hoa…”
Được biết, sau 10 tác phẩm đã trở lại, những tác phẩm đoạt giải thưởng trong các cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tiếp tục được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc trong thời gian tới. Đặc biệt, các đầu sách đều được đầu tư công phu về mĩ thuật, in ấn với thiết kế bìa trang nhã và rất gợi!