Sắc thái thế giới 2017

GD&TĐ - Năm 2016 qua đi với nhiều biến động có ảnh hưởng lớn đến nhân loại. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tình hình địa chính trị của thế giới vào năm 2017 cũng không mấy bình yên: Nga trỗi dậy, Quan hệ Mỹ - Trung có xu hướng căng thẳng, IS lụi tàn, châu Âu thêm chia rẽ, phải đối mặt với “ngày tận thế” chính trị, lực lượng cánh tả ở Nam Mỹ bước vào giai đoạn hoàng hôn và biển Đông dậy sóng…

Sắc thái thế giới 2017

Quan hệ Nga - Mỹ - Trung Quốc

Có thể nói, quan hệ giữa 3 siêu cường Nga - Mỹ - Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến chính trường thế giới. Theo nhà báo, nhà phân tích địa chính trị Pháp Alexander Del Valle, năm 2017 sẽ là năm thuận lợi nhất đối với Nga - Nga sẽ trở lại vị trí hàng đầu trên đấu trường quốc tế. Việc Nga tham gia giải phóng Aleppo, dồn IS và quân nổi dậy Syria vào ngõ cụt sẽ là “quả đấm thép” của họ trên bàn đàm phán về Syria trong tương lai. Không loại trừ Moskva sẽ áp đặt lối chơi của mình trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông.

Ngoài ra, thắng lợi bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ sẽ mở đường cho quan hệ Nga - Mỹ tốt lên. Hẳn chúng ta còn nhớ lời hứa của Donald Trump trong quá trình vận động tranh cử rằng nếu là Tổng thống ông sẽ dỡ bỏ cấm vận và khôi phục lại quan hệ với nước Nga.

Tư tưởng của Donald Trump sẽ truyền cảm hứng cho Francois Fillon - một nhân vật thân Nga và là người đang có nhiều cơ hội nhất để trở thành Tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ tới.

“Với tất cả những lý do trên, giá dầu sẽ tăng, tình hình ở Syria sẽ đảo ngược và quan hệ của Trump/Fillon với Moskva sẽ tốt lên. Năm 2017 sẽ là năm của Nga” - Alexander Del Valle nhận định.

Tuy nhiên, theo Alexander Del Valle, những bí ẩn lớn vào năm 2017 sẽ là Trung Quốc. Sau cuộc điện đàm giữa tân Tổng thống Mỹ và người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn và những tuyên bố của

Donald Trump về nguyên tắc “Một Trung Quốc”, liệu Bắc Kinh có trở thành “kẻ đối đầu” với Donald Trump? Trong khi đó, việc Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có gì đó mâu thuẫn với những tuyên bố liên quan đến cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn?

Nên nhớ, ngoài việc thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực Thái Bình Dương, TPP được Mỹ lập ra một phần là để bao vây Trung Quốc.

Nhìn chung, quan hệ Mỹ - Trung sẽ được xác định vào năm 2017. Tuy nhiên không vì thế mà biển Đông lặng sóng. Mỹ vẫn theo đuổi quan điểm tự do hàng hải và việc tôn tạo trái phép các đảo, bãi đá ngầm và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc là vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, gây bất ổn trong khu vực.

“Ngày tận thế” của chính trị châu Âu?

Năm 2017 là năm các quốc gia “nòng cốt” ở châu Âu như Đức, Pháp, Italia sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Vào thời điểm hiện tại, xu hướng sụp đổ của các tầng lớp cầm quyền ở châu Âu đang thể hiện rõ nét.

Theo bình luận viên tờ The Guardian John Henley, sự sụp đổ của các tầng lớp cầm quyền, khả năng gia tăng khủng bố và làn sóng di cư mới sẽ đẩy Brussels vào một cuộc khủng hoảng “khó vượt qua”.

Thời gian gần đây, uy tín của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu như Angela Merkel, Francois Hollande suy giảm rõ rệt. Việc chấm dứt các cuộc đàm phán về chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như “đóng băng” các cuộc thảo luận về tư cách thành viên EU của Thổ bằng những chỉ trích cay nghiệt của các quan chức châu Âu sẽ kích hoạt cho cuộc khủng hoảng trong quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Hậu quả là từng đoàn người tị nạn từ Trung Đông, Bắc Phi lại vượt Địa Trung Hải kéo vào châu Âu như năm trước.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm nhất của EU là “hiệu ứng Brexit”. Việc nước Anh - một trụ cột vừa từ giã EU đã để lại hậu quả tai hại. Theo gương người Anh, hàng loạt các đảng phái chính trị, các nhà lãnh đạo tên tuổi ở châu Âu kêu gọi bỏ đồng euro.

Trong khi Marine Le Pen - Thủ lĩnh Mặt trận quốc gia cực hữu ở Pháp kêu gọi nước Pháp rút khỏi EU thì các chính trị gia hàng đầu ở Hà Lan cũng nhất trí với quan điểm này. Ngoài ra, phong trào “5 ngôi sao” đang nổi như cồn ở Italia lại kêu gọi dọn đường cho sự trở lại của đồng Lira.

Trung Đông căng thẳng, IS lụi tàn

Trung Đông - vùng đất của dầu và máu vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng. Trên bình diện chính thống, nội bộ các nước trong thế giới Ả Rập chia rẽ sâu sắc. Vào những ngày cuối năm 2016, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) chịu thất bại nặng nề trước liên quân quốc tế khiến phạm vi hoạt động của họ bị thu hẹp lại.

Tuy nhiên, IS vẫn là lực lượng khủng bố hùng mạnh ở khu vực và họ có thể hoạt động ở khắp mọi nơi với hình thức đánh bom cảm tử. Ấy là chưa kể việc IS suy yếu sẽ mở đường cho sự trở lại của al-Qaeda.

Tương lai của Syria vẫn hết sức mờ mịt. Vào những ngày cuối năm 2016, quân chính phủ dưới sự yểm trợ của Nga đã giải phóng thành phố Aleppo, đẩy IS và phe đối lập ra khỏi địa bàn chiến lược của họ. Tuy nhiên, các lực lượng này đã chiếm lại thành phố cổ Palmira khiến quân đội Syria phải lùi bước.

Toàn cầu hóa bị đe dọa, chủ nghĩa thực dụng lên ngôi

Theo nhà phân tích người Pháp Alexander Del Valle, xu hướng “toàn cầu hóa” đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ. Quyết định rút khỏi TPP của chính quyền Donald Trump là một ví dụ điển hình.

Nói như lời của Alexander Del Valle thì chúng ta đang chứng kiến hàng loạt chính sách thực dụng của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…

Năm 2017 sẽ chứng kiến phong trào cánh tả ở Mỹ - Latinh trầm lắng. Ở các nước chủ đạo như Brazil, Argentina, Venezuela… phe đối lập thân Mỹ đã bước lên vũ đài chính trị.

Điển hình như Venezuela, khủng hoảng chính trị kéo theo khủng hoảng kinh tế đã đẩy chính quyền Nicolas Maduro vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và biển Đông một lần nữa trở thành phép thử đối với chính quyền Donald Trump. Khoảng 70% chính sách của Barack Obama sẽ bị Donald Trump bãi bỏ, nhưng chiến lược “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” vẫn đang là dấu hỏi lớn và chắc chắn nó sẽ có lời giải vào năm 2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ