Sa Thầy - Kon Tum, nhiều trường bị tố lạm thu

GD&TĐ - Để làm rõ câu chuyện phụ thu này, ngày 3/10, phóng viên Báo GD&TĐ đã làm việc với bà Dương Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương.

Phụ huynh Trường Tiểu học Hùng Vương khá bất ngờ về một số khoản thu đầu năm học mới.
Phụ huynh Trường Tiểu học Hùng Vương khá bất ngờ về một số khoản thu đầu năm học mới.

Phụ huynh tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phản ánh đến Báo Giáo dục và Thời đại về việc Trường Tiểu học Hùng Vương và Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lê Quý Đôn đã lạm thu một số khoản đầu năm học mới. Các khoản phụ thu đè nặng lên nhiều gia đình có con em đang theo học tại những đơn vị giáo dục trên.

Đóng tiền và... ký sổ

Tiếp xúc với phóng viên, nhiều phụ huynh (vì lý do tế nhị, xin được giấu tên) đang có con theo học tại Trường Tiểu học Hùng Vương (đường Trường Chinh, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cho biết, vào buổi họp phụ huynh đầu năm học mới giáo viên đã lấy ý kiến về các khoản thu trong năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, phụ huynh tham dự cuộc họp không đông đủ, cũng có một số ý kiến chưa đồng tình với các khoản thu.

Thế nhưng ít ngày sau, giáo viên chủ nhiệm đưa ra các khoản cần đóng thêm ngoài học phí và bảo hiểm. Cụ thể, gồm: Quỹ hội 150.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng, tiền đồ dùng bán trú 110.000 đồng, tiền photo 50.000 đồng, tiền vệ sinh 126.000 đồng/học sinh… Đặc biệt tiền xã hội hoá là 300.000 đồng/học sinh.

Theo phản ánh thì trong cuộc họp vào ngày 18/9, giáo viên chủ nhiệm lớp (của Trường Tiểu học Hùng Vương) thông báo với phụ huynh học sinh là: Trần nhà của phòng ăn bán trú đã bị hư hỏng. Do đó, khoản tiền xã hội hóa (300.000 đồng/học sinh) sẽ được sử dụng để sửa chữa phòng ăn bán trú, bảo đảm an toàn, vệ sinh cho học sinh.

“Năm học này tôi phải đóng cho con là 1.247.000 đồng, chưa kể những khoản nhỏ đã đóng từ trước đó. Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp thu tiền, nhưng không có giấy biên nhận. Phụ huynh nào đóng tiền chỉ kí xác nhận vào sổ thu của giáo viên” - một phụ huynh cung cấp thông tin.

Còn anh D. – phụ huynh một học sinh cho rằng, với những gia đình đông con thì khoản tiền phải đóng vào đầu năm học mới tương đối lớn. Đặc biệt với khoản thu xã hội hoá là 300.000 đồng/học sinh. Chính vì vậy, anh D. mong muốn nhà trường cân đối, giảm bớt số tiền phải đóng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc đông con trong độ tuổi đến trường.

Tương tự, tại Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn (thôn 1, thị trấn Sa Thầy) anh N - phụ huynh học sinh cho biết, đầu năm học mới số tiền gia đình phải đóng cho con là hơn 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu phụ huynh có con ở bán trú thì phải đóng thêm phí dịch vụ 270.000 đồng/tháng và tiền ăn là 22.000 đồng/ngày. Giáo viên chủ nhiệm thông báo phụ huynh có thể đóng tiền trực tiếp hoặc chuyển vào số tài khoản.

Vị phụ huynh này cho rằng, về khoản tiền quỹ lớp là 250.000 đồng, quỹ hội 200.000 đồng và vận động tài trợ 200.000 đồng/học sinh là khá nhiều. Các phụ huynh bày tỏ thắc mắc về việc họ không biết tiền quỹ lớp và quỹ hội sử dụng vào những mục đích gì nhưng số tiền phải đóng là quá lớn. Đặc biệt, khoản vận động tài trợ với cái gọi là “tự nguyện” của phụ huynh đã được giáo viên đưa ra con số là 200.000 đồng/học sinh?

Phụ huynh Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn lo lắng không đủ kinh tế để đóng các khoản tiền học cho con.

Phụ huynh Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn lo lắng không đủ kinh tế để đóng các khoản tiền học cho con.

Dừng lại, xử lý nghiêm

Để làm rõ câu chuyện phụ thu này, ngày 3/10, phóng viên Báo GD&TĐ đã có buổi làm việc với bà Dương Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương.

Bà Hảo thừa nhận có một số khoản thu như phụ huynh đã phản ánh đến Báo GD&TĐ. Nhưng bà Hảo cho biết là: Trước khi đưa ra các khoản thu đầu năm học mới, nhà trường đã có tờ trình gửi lên Phòng GD&ĐT của huyện.

Bà Hảo cũng phân bua là: “Với các khoản thu xã hội hoá, nhà trường dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, chứ không ấn định số tiền cụ thể như phản ánh. Số tiền xã hội hoá này nhà trường dự định sẽ mua rèm che trước các dãy phòng học. Bởi mùa mưa nước tạt, mùa nắng thì nóng nực nên ảnh hưởng đến việc học tập của các em”.

“Quả bóng lạm thu” đã được đẩy sang chân của Hội phụ huynh khi Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Hội phụ huynh nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ khoản xã hội hoá nên hiện tại nhà trường chưa nắm được số tiền cụ thể mà các lớp đã thu” - lời bà Dương Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Về vấn đề lạm thu, làm việc với phóng viên, ông Hồ Văn Nguyên, Hiệu trường Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn cho rằng, nhà trường chưa nhận được bất kì phản ánh nào từ phụ huynh về các khoản thu trong năm học mới.

Ông Nguyên cũng cho biết các khoản thu xã hội hoá của nhà trường triển khai đến phụ huynh dựa trên tinh thần... tự nguyện. Khoản tiền vận động tài trợ nhằm mục đích xây dựng sân chơi, bãi tập cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn nói rằng: “Nhà trường không đặt nặng vấn đề về tiền bạc. Nếu kinh tế của phụ huynh khá thì hỗ trợ kinh phí, còn ai có sức khoẻ thì đóng góp công hoặc có thể hỗ trợ vật tư xây dựng. Hiện tại nhà trường chưa thu bất kì khoản tiền xã hội hoá nào.

Tuy nhiên, có thể Hội phụ huynh nhờ giáo viên chủ nhiệm thu giúp nên nhà trường chưa nắm được số tiền cụ thể mà các lớp đã thu. Nhà trường sẽ kiểm tra, rà soát lại nội dung phản ánh của phụ huynh về các khoản thu xã hội hóa”.

Làm việc với Báo GD&TĐ, bà Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy thừa nhận việc nhà trường lên danh sách các khoản thu đầu năm học mới. Danh sách các khoản thu được trường trình gửi lên Phòng GD&ĐT.

“Tuy nhiên, khoản thu xã hội hoá dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không bắt buộc và tuỳ theo kinh tế của phụ huynh” - bà Dung nói.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cam kết sẽ mời các trường học liên quan lên làm việc về vấn đề phụ thu do phóng viên Báo GD&TĐ cung cấp. Nếu Phòng GD&ĐT phát hiện các trường lạm thu sẽ yêu cầu dừng lại và xử lý nghiêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ