Ngày 10/7, ông Phạm Văn Dự, Giám đốc Ban điều hành XL02 (đoạn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), cho biết, những chiếc sà lan chở cát biển đầu tiên vừa về đến đoạn cuối công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Theo ông Dự, cát biển về đợt này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà thầu, vì việc thi công công trình đã thiếu cát quá lâu.
“Phần công trình của tôi thi công có chiều dài 9km, cần khoảng 1 triệu khối cát, giờ mới có được khoảng 300.000 khối, còn thiếu khoảng 700.000 khối. Khi có cát, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình để bù đắp lại phần bị chậm thi công”, ông Dự chia sẻ.
Nói về lý do ghe cát biển về chậm, ông Kiều Quốc Thanh cho hay, tài công một sà lan chở cát biển nói thời gian chạy sà lan từ cửa biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) vào đến công trình là 24 giờ. Khu vực ngoài cửa biển sóng gió lớn, đi theo đường vòng, tàu chở khẳm nên chạy chậm, để đảm bảo an toàn.
Ngay khi những chiếc sà lan chở cát biển đầu tiên cập bến, hàng chục nhân công các tổ máy bơm đã ứng trực hút cát dưới sà lan, vận hành tổ máy và khuân vác ống để bơm cát lên công trình do bến sà lan neo đậu thường cách xa công trình, có đoạn lên đến vài km.
Tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân đều trong tâm thế khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, để công trình cao tốc đi qua địa bàn sớm hoàn thành.
Đây là lần đầu tiên cát biển được đưa vào sử dụng trong thi công công trình đường cao tốc. Ngoài sà lan cát biển, còn có những sà lan chở cát sông cũng về trong đợt này.
Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khởi công ngày 1/1/2023 có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng.
Dự án được phân thành hai dự án thành phần gồm: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37km và dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km.
Thời gian qua, dự án gặp khó khăn, ảnh hưởng tiến độ thi công do thiếu cát.
Tính đến 23/5/2024 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng giá trị sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 29%.