Sa bẫy lừa đảo trên không gian mạng khiến nạn nhân không có lối thoát?

GD&TĐ - Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ở các tỉnh, thành phía Nam ngày càng nở rộ và tinh vi hơn nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Công an tỉnh Đồng Nai họp bàn về phương án quyết liệt trấn áp tội phạm. Ảnh: CACC
Công an tỉnh Đồng Nai họp bàn về phương án quyết liệt trấn áp tội phạm. Ảnh: CACC

Người có trình độ cũng “sập bẫy”

Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm trên địa bàn Tây Ninh, ông Nguyễn Hồng Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho hay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 32%, trong đó 1/2 là lừa đảo qua mạng.

Theo ông Thanh, các hình thức phổ biến là đối tượng lừa đảo điện thoại đóng giả cơ quan pháp luật hoặc thành lập hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Telegram kêu gọi đầu tư lợi nhuận cao, lừa bán hàng giá rẻ yêu cầu gửi tiền cọc sau đó chiếm đoạt.

Đặc biệt, gần đây xuất hiện thủ đoạn mới, giả danh lực lượng công an hướng dẫn cài đặt phần mềm VneID giả mạo để lừa đảo. Có những trường hợp bị hại là người có trình độ, cán bộ công chức trong cơ quan Nhà nước.

“Đáng lưu ý tội phạm này có mối quan hệ chặt chẽ với các đường dây mua bán người và tổ chức người xuất cảnh trái phép qua biên giới Tây Ninh và gắn với địa bàn

Campuchia. Trong kỳ, Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt 6 vụ, 10 đối tượng về các hành vi lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, “rửa tiền”, hoạt động đấu tranh với loại tội phạm này thực hiện ngày càng hiệu quả”, ông Thanh thông tin.

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng. Đặc biệt là vụ án nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Nguyễn Thị Giang Hương bị kẻ lừa đảo lấy đi hơn 171 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

“Đối với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, 6 tháng đầu năm 2024 Công an tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận, xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 325 tỷ đồng”, Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nói. Theo ông Phong, Công an Đồng Nai đã phát hiện, chủ động ngăn chặn hàng trăm vụ việc chuyển tiền qua tài khoản bằng các phương thức khác nhau.

Cũng theo ông Phong, phương thức lừa đảo nổi lên hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là việc tuyển dụng cấp các quyền về kinh doanh để buôn bán qua mạng và tội phạm tiếp cận chủ yếu công nhân, học sinh.... Tuy số tiền không nhiều, nhưng hình thức này khiến nhiều người dân bức xúc, chiếm đến 44 % số vụ việc.

Ngoài ra, nhóm tội phạm lợi dụng sơ hở của người sử dụng mạng xã hội xâm nhập bằng các mã độc vào tài khoản chiếm tỷ lệ 18%; gọi điện giả danh các cơ quan chức năng để lừa đảo và lợi dụng công ty chứng khoán lừa đảo với tỷ lệ 13%…

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại tá Lý Xuân Cường, Trưởng phòng An ninh mạng, Công an tỉnh thông tin, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng hoạt động có tính chuyên nghiệp, xuyên quốc gia, có kịch bản sẵn, tấn công vào mọi thành phần, lứa tuổi.

“Thậm chí cả cán bộ đang công tác trong các cơ quan Nhà nước, người có kiến thức, trình độ, hiểu biết về tài chính… cũng bị lừa với nhiều cách thức khác nhau như chuyển tiền trực tuyến qua ứng dụng của hệ thống ngân hàng, thu thập thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản”, ông Cường nói.

Còn tại TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2024 tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, trên địa bàn thành phố ghi nhận xảy ra 306 vụ lừa đảo có sử dụng công nghệ cao.

Trong đó, nổi lên là thủ đoạn sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo VOIP qua mạng Internet để lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, cho vay tín chấp ngân hàng, lập sàn giao dịch mua bán vàng, chứng khoán, góp vốn đầu tư...

“Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng liên tục thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động để đối phó với biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra của cơ quan chức năng. Vì vậy, người dân phải đặc biệt cảnh giác”, ông Hà nói.

Lua dao tren khong gian mang o cac tinh phia nam.JPG
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng đang nở rộ. Ảnh: Thành Nhân

Nguyên tắc “nằm lòng” để không… “sập bẫy”

Để hạn chế tình trạng lừa đảo qua không gian mạng thời gian tới, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh, người dân luôn nhớ đến khẩu hiệu “4 không, 2 phải”.

Trong đó, “4 không” là: Không sợ khi nhận số điện thoại lạ gọi đến đe dọa tự xưng là công an, viện kiểm sát...; không tham; không kết bạn với người lạ; không chuyển khoản nếu không biết rõ người đang giao tiếp là ai.

Kế tiếp, “2 phải” là phải cảnh giác và phải trình báo khi xảy ra tình trạng bị lừa đảo. “Có một số người dân bị thiệt hại không lớn nên ngại trình báo cơ quan công an. Một số khác lo ngại việc đi trình báo rồi có lấy lại được tiền hay không?.

Đặc biệt có một số vụ lừa đảo bị mất số tiền lớn nhưng lại không muốn hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ vì vậy rất khó để xử lý các nhóm lừa đảo”, ông Phong nói.

Đại tá Lý Xuân Cường, Trưởng phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là những đối tượng am hiểu về công nghệ và tất cả đều là ảo.

Vì đó công tác đấu tranh, phòng, chống rất khó khăn. Bên cạnh đó, loại tội phạm này có phương thức, thủ đoạn thay đổi liên tục. Cơ quan chức năng vừa tuyên truyền cho người dân biết về phương thức, thủ đoạn này xong thì ngay lập tức các đối tượng này lại đưa ra các loại phương thức, thủ đoạn lừa đảo.

“Người dân không nên nghe lời đe doạ, bởi các cơ quan chức năng nếu làm việc với người dân thì sẽ gửi giấy mời trực tiếp chứ không nhắn tin hay gọi điện thoại và đặc biệt tuyệt đối không để lộ tin cá nhân”, ông Cường khuyến nghị.

Theo số liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC, trong 6 tuần từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7, hệ thống canhbao.khonggianmang.vn đã nhận được 7.830 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo. Trong đó, từ ngày 24/6 đến ngày 14/7, trung bình mỗi tuần, số phản ánh của người dùng gửi tới hệ thống đều gấp hơn 5 lần so với số phản ánh nhận được hằng tuần ở giai đoạn trước tháng 6.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.