Rút ngắn thời gian đào tạo đại học: Cơ hội và thách thức

GD&TĐ - Lâu nay, đã có một số sinh viên (SV) tự rút ngắn thời gian học ĐH từ 4 năm xuống còn 3 năm, chủ yếu là những SV có năng lực, có ý chí. Một số trường cũng đã thiết kế chương trình đào tạo theo hướng tinh gọn. 

Rút ngắn thời gian đào tạo đại học: Cơ hội và thách thức

Tuy nhiên, để làm được việc này không phải là dễ. Thách thức lớn nhất là khả năng tự học, tự nghiên cứu của số đông SV, liệu có theo kịp đòi hỏi khi chương trình đào tạo được tinh gọn từ 4 năm xuống 3 năm?

Rút ngắn thời gian đào tạo không có nghĩa là cắt giảm khối lượng kiến thức

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn – quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trước những vấn đề về khung thời gian đào tạo ĐH trong khoảng từ 3 - 4 năm, chúng ta cần làm rõ một số vấn đề: Thứ nhất là việc rút ngắn thời gian là tùy thuộc vào định hướng của từng trường chứ không phải bắt buộc cho tất cả. Thứ hai là với việc quy định tín chỉ hóa khối lượng kiến thức tích lũy, thì khối lượng tín chỉ tích lũy không thay đổi nhiều so với các quy định hiện hành, nên việc quy định thời gian tối thiểu để đào tạo ĐH không ảnh hưởng nhiều đến khối lượng kiến thức và kỹ năng tích lũy của người học.

Với khung thời gian đào tạo mới thực sự là cơ hội lớn để các trường có thể xây dựng chương trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo, đặc biệt là các trường theo định hướng ứng dụng. Các trường có thể lựa chọn hướng rút ngắn thời gian đào tạo, thông qua việc xây dựng các môn học tích hợp và tăng cường các chương trình thực tế tại doanh nghiệp. Về phía người học có cơ hội giảm thời gian học tập và qua đó sẽ giảm chi phí cho cá nhân, tăng hiệu quả sử dụng lao động cho xã hội.

Chương trình đào tạo được tinh gọn sẽ tạo cơ hội cho cả thầy và trò tăng cường ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Phải tăng giờ tự học, tự nghiên cứu của SV với sự hướng dẫn của GV phải tăng lên, giờ giảng trực tiếp trên lớp giảm. Với việc áp dụng công nghệ mới trong giảng dạy cùng sự hỗ trợ của phương tiện công nghệ thông tin, SV không nhất thiết phải có mặt trên giảng đường tất cả thời gian như cách dạy học truyền thống.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Trường đã cắt giảm chương trình đào tạo liên tục trong nhiều năm qua, đến nay còn 120 tín chỉ. Việc cắt giảm tín chỉ được thực hiện dựa trên việc sắp xếp lại chương trình, đổi mới phương pháp dạy và học, đồng thời xây dựng môn học mới từ tích hợp các môn đơn khác nhau.

Nên cắt giảm như thế nào cho phù hợp?

Nhiều chuyên gia GD ĐH, cũng như lãnh đạo các trường ĐH tỏ ra khá băn khoăn vì không biết nên rút gọn chương trình đào tạo như thế nào? Hầu hết nghiêng về đề xuất: Nên tập trung giảm khối lượng chương trình đào tạo các môn khoa học cơ bản, môn đại cương, các môn học chung như: Lý luận Chính trị; Ngoại ngữ; Tin học căn bản; GD Quốc phòng – An ninh; GD Thể chất… Trong các môn này, ưu tiên cắt giảm những phần lý thuyết khô cứng nặng nề, những kiến thức cũ mà thời phổ thông người học đã từng được học.

Theo quy định, một tín chỉ gồm 45 giờ học lý thuyết, thực hành, tự học. Nếu cần tăng cường thời gian thực hành, các trường hoàn toàn có thể điều chỉnh, phân phối lại tương quan lý thuyết – thực hành chứ không giảm số lượng tín chỉ. Như vậy, muốn giảm thời gian chỉ có cách tăng cường độ học lên. Vấn đề là cần có sự thống nhất nên rút ngắn như thế nào để nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Chương trình đào tạo rút gọn cần được thiết kế phải có tính hệ thống, nếu không dễ bị thiên lệch. Khó có thể lấy tiêu chuẩn của những SV giỏi để thiết kế cho chương trình chung được. Dồn học 40 tín chỉ/năm, SV trung bình sẽ không đáp ứng được. Tránh mâu thuẫn nếu rút chương trình ĐH xuống còn 3 năm, phải tăng nội dung học của mỗi năm lên chứ không được bớt số lượng tín chỉ đi, hoặc chương trình phổ thông phải nặng lên.

Hiện nay đã kêu chương trình phổ thông nặng, thêm nữa sẽ thành quá tải. Như vậy chương trình ĐH phải nặng lên. Theo thiết kế chuẩn của thế giới, mỗi năm học được thiết kế bao gồm 30 tín chỉ. Như vậy, 120 tín chỉ ở bậc ĐH tương đương với thời gian đào tạo 4 năm.

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết: Nếu thiết kế lại, chương trình đào tạo từ 4 năm xuống còn 3 năm phải theo hướng tích hợp các môn, chứ không phải giảm khối lượng theo kiểu cắt cơ học. Có như vậy mới tương đương trình độ khu vực và thế giới. Đào tạo thấp quá khi ra trường sẽ phải đào tạo lại. Cần cân đối chương trình đào tạo bao gồm 4 khối kiến thức: Kiến thức chung (Chính trị, Tư tưởng, Ngoại ngữ, Toán đại cương…), kiến thức cơ sở, kiến thức ngành, chuyên ngành.

Việc cắt giảm nội dung chương trình đào tạo một số môn, phân môn nào đó còn gặp phải lực cản lớn từ chính đội ngũ giảng viên (GV) như TS Phạm Thị Ly cảnh báo: Đa số GV thường có xu hướng coi môn học của mình là quan trọng nhất, không thể thiếu. Họ e ngại khi rút gọn chương trình đào tạo mà đụng đến môn của họ, sẽ có thể mất chỗ dạy hoặc thu nhập bị giảm, thậm chí có thể phải chuyên công tác khác, hoặc rơi vào trường hợp phải giảm biên chế.

Việc đưa ra khung thời gian đào tạo mới, không có nghĩa là các trường phải ngay lập tức rút ngắn thời gian đào tạo, nhưng Bộ GD&ĐT khuyến khích xây dựng các chương trình mới phù hợp với khung đó, để đáp ứng chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia đã ban hành. Không chỉ người học mà người dạy cũng phải tăng cường tư duy độc lập, phản biện. Thầy lên lớp chủ yếu là để hướng dẫn SV thảo luận, học nhóm, học cách chọn lọc, đánh giá và xử lý thông tin, khám phá những vấn đề mới.

Với việc tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, việc xây dựng chương trình đào tạo tinh gọn, cần cải tiến theo hướng tăng cường liên kết doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình đào tạo thực tế cho SV. Tăng cường hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, đặc biệt là các phòng thực hành mô phỏng, để SV có cơ hội trải nghiệm thực tế trước khi tiếp xúc với doanh nghiệp. Ưu tiên đầu tư hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập; đầu tư thư viện hiện đại, đặc biệt là hệ thống thư viện điện tử; mở rộng thêm cơ sở để có thêm không gian cho các hoạt động văn - thể - mỹ của SV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.