Rút ngắn khoảng cách

GD&TĐ - Rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục vùng khó rất cần xóa khoảng cách về chất lượng đội ngũ...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trước thềm khai giảng, ngành Giáo dục nhận được nhiều tin vui: Chính phủ chủ trương giữ nguyên mức thu học phí; tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học; đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức…

Đáng chú ý, hoạt động tiếp sức, trợ lực cho học sinh vùng khó diễn ra rộng khắp, với quy mô lớn, có chiều sâu và thiết thực hơn. Nhiều ngôi trường mới khang trang ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi được đưa vào sử dụng, mở ra kỳ vọng trong việc rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục. Điều này thật sự ý nghĩa trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đặt ra yêu cầu năm học 2023 - 2024 là năm bứt phá của đổi mới giáo dục, đổi mới phải đi vào chiều sâu.

Đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhờ hệ thống chính sách đặc thù, cơ sở vật chất, mạng lưới, quy mô trường lớp phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục khu vực này có bước phát triển đáng kể.

Đến nay, phần lớn các tỉnh miền núi đã xóa bỏ được phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong phòng kiên cố. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Tỷ lệ học trò tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm tăng rõ rệt.

Tuy vậy, giáo dục vùng khó, vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn một số hạn chế. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dù tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở một số trường chuyên biệt.

Đặc biệt, chất lượng giáo dục vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi nhìn chung còn thấp so với yêu cầu, có khoảng cách nhất định so với vùng thuận lợi. Kết quả đối sánh 4 năm điểm thi tốt nghiệp THPT từ 2020 - 2023 của Bộ GD&ĐT cho thấy có 23 địa phương còn khó khăn đối với mục tiêu giáo dục phổ thông. Đó là những địa phương ở miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều huyện miền núi, đồng bào dân tộc.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ học sinh đến trường là điều kiện cần thiết để giáo dục vùng khó phát triển, nhưng để rút ngắn khoảng cách về chất lượng, chính đội ngũ giáo viên mới là nhân tố quyết định.

Vậy nhưng đến nay, không chỉ thiếu giáo viên, ở một số nơi, vẫn còn không ít thầy cô năng lực sư phạm, khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu chương trình mới. Trong khi đó, việc thu hút giáo viên, đặc biệt người giỏi về với vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi chưa bao giờ dễ dàng. Hầu hết, giáo sinh giỏi đều chọn trường có điều kiện thuận lợi ở khu vực thành phố, đồng bằng.

Không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi. Rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục vùng khó vì thế không chỉ là rút ngắn các điều kiện về cơ sở vật chất trường học, hay không để bất cứ học sinh khó khăn nào phải nghỉ học, mà rất cần xóa khoảng cách về chất lượng đội ngũ. Khi Bộ GD&ĐT đặt ra yêu cầu đổi mới của năm học 2023 - 2024 là đi vào chiều sâu, đến từng môn học, đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vùng khó càng trở nên cấp bách hơn.

Với xuất phát điểm thấp, còn nhiều khó khăn, học sinh vùng khó, dân tộc thiểu số, miền núi rất cần có giáo viên chất lượng cao hơn để rộng cơ hội trở mình. Bên cạnh thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đủ mạnh để đảm bảo số lượng giáo viên theo quy định, đã đến lúc cần đặt ra yêu cầu làm sao để thu hút, giữ chân thầy cô giỏi cho vùng khó; làm sao để học sinh vùng khó có thể tiếp cận dễ dàng những bài giảng hay, tốt nhất như các bạn nơi đô thị, để từ đó từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ