Rượu ngâm có tác dụng tăng cường sinh lý?

GD&TĐ - Hiện chưa có bằng chứng cho thấy, uống rượu ngâm động vật giúp tăng cường sinh lý.

Nhiều người cho rằng, rượu ngâm có những công dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Nhiều người cho rằng, rượu ngâm có những công dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Trường hợp uống rượu thuốc không rõ nguồn gốc còn dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột.

“Tiền mất, tật mang”

Vừa qua, ngày 1/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận 3 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, 1 người được xác định đã tử vong trước khi đưa vào viện, 2 bệnh nhân còn lại trong tình trạng hôn mê sâu phải tiến hành cấp cứu, cho thở máy. Trước đó, các bệnh nhân này được xác định là đã uống rất nhiều rượu, bao gồm rượu ngâm với rắn cạp nong.

Đây không phải trường hợp hiếm ngộ độc rượu ngâm. Trước đó, ngày 15/2, Khoa Chống độc - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiếp nhận 5 bệnh nhân ở xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị ngộ độc sau khi uống rượu.

Sau thời gian điều trị, 3 bệnh nhân tiến triển tốt, riêng 2 bệnh nhân N.V.S (54 tuổi) và V.V.H (46 tuổi) trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, lọc máu liên tục. Theo nhận định của các bác sĩ điều trị, những bệnh nhân này không phải ngộ độc Ethanol hay Methanol mà liên quan đến độc chất có trong rượu ngâm.

Thực tế, việc ngâm rượu với động vật, thực vật theo kinh nghiệm dân gian vẫn đang được nhiều người dân áp dụng. Ngoài một số loại rễ, thân, lá được cho là vị thuốc trong y học cổ truyền, người dân còn ngâm rượu với côn trùng, bò sát hay cả tay gấu, bào thai động vật... Thậm chí, một số con vật được ngâm nguyên cả lông và nội tạng.

Người dân cũng thường cho rằng, rượu ngâm có những công dụng tốt cho sức khỏe, như: Tăng cường sinh lực, bổ thận, tráng dương, tốt cho xương khớp. Thậm chí, có loại rượu còn được cho là mang lại tác dụng mát gan, giải độc...

Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương - dẫn chứng, theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như ong đất, tắc kè, mật động vật các loại khoảng 10%. Do đó, lạm dụng rượu, kể cả rượu thuốc ngâm đều có hại cho sức khỏe.

Chuyên gia này nhấn mạnh, hiện, chưa có bằng chứng cho thấy, uống rượu ngâm động vật giúp tăng cường sinh lý. Trường hợp uống rượu thuốc không rõ nguồn gốc còn dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột. Đặc biệt với các loại rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian. Do đó, chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn. Từ đó, làm tăng nguy cơ ngộ độc. Chưa kể, một số loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng.

“Để có đời sống tình dục như ý muốn, nam giới cần tăng cường luyện tập thể dục thể thao, tốt cho tim mạch, kích thích cơ bắp, thải độc khỏi cơ thể, nâng cao sức khỏe. Nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là hoa quả, rau xanh, uống đủ hai lít nước mỗi ngày. Giữ lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Ngủ sớm, đủ giấc, từ 7 đến 8 tiếng một ngày”, ThS.BS Thành khuyến cáo.

Ngoài ra, nam giới cần duy trì quan hệ tình dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của bản thân. Nếu đời sống tình dục có bất thường, hai vợ chồng nên đi khám để kiểm tra sớm. Tuyệt đối không dùng rượu để bồi bổ, dẫn đến tiền mất, tật mang.

Nguy cơ tử vong

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, các số liệu thống kê tình trạng ngộ độc rượu là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, có thể kể đến các loại thảo mộc ngâm rượu như: Linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát…

Song, rượu ngâm thực vật chủ yếu là để tạo hương vị chứ không có nhiều vitamin hay khoáng chất. Ví dụ, rượu ngâm táo mèo tạo vị chua chát, ngâm mơ tạo vị thơm… Khi ngâm rượu với sâm, thành phần hoạt chất của sâm cũng không được lưu giữ nhiều trong rượu ngâm.

Theo chuyên gia này, trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn với đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại thực vật, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm. Việc sử dụng không đúng cách hoặc liều lượng có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Các loại động vật hay được sử dụng ngâm rượu phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung… Theo TS Sơn, trên thực tế nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm.

Với các loài động vật ăn thịt sống như rắn, chuột, nhái, ếch, trong lông và bụng đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và ký sinh trùng vào cơ thể.

Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ càng, hợp vệ sinh, loại bỏ các bộ phận như nội tạng, lông. Khi dùng các con vật như bìm bịp, tắc kè, cần nướng chín trước khi ngâm rượu.

Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh, mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh. Đồng thời, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn.

Trong khi đó, rượu ngâm động vật nguyên con còn dẫn tới khả năng dị ứng cao. Bởi, động vật thường có các protein lạ, khiến người uống có thể bị ngộ độc với các biểu hiện: Nôn, buồn nôn, co thắt, khó thở. Nhiều trường hợp ngộ độc nặng nếu không cứu chữa kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo, nếu lạm dụng rượu, người uống có thể gặp khoảng 300 mã bệnh và trực tiếp liên quan tới các bệnh: Xơ gan, bệnh lý tim mạch… Rượu ngâm cũng không có gì khác rượu thông thường. Vì vậy, không nên sử dụng rượu ngâm với số lượng nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.

Mua vang chén thánh nhập khẩu cao cấpVang nổCác loại vang hồng cao cấp giá tốt