Rước thuyền Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Chiêu Trưng

GD&TĐ - Sáng nay (ngày 15/6), tại huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), UBND huyện Thạch Hà và huyện Lộc Hà long trọng tổ chức đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Chiêu Trưng và kỷ niệm 572 năm ngày mất của vị tướng Lê Khôi.

Lễ đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Chiêu Trưng
Lễ đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Chiêu Trưng

Đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi hay còn gọi là Đền Võ Mục thờ danh tướng Lê Khôi Khôi, tọa lạc trên địa bàn xã Thạch Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Đây là 1 trong 4 ngôi đền cổ kính, đẹp nhất vùng Nghệ Tĩnh xưa và được xếp trong “tứ linh từ” của vùng đất An Tĩnh (đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng).

Để ghi nhận công đức của Lê Khôi và gìn giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật thời Lê tại đền, năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận đền thờ và lăng mộ Lê Khôi là Di tích cấp Quốc gia...

Lễ hội thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh đến tham gia
Lễ hội thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh đến tham gia 

Đến ngày 20/6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công bố Lễ hội Đền Chiêu Trưng đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Đền Chiêu Trưng đã tồn tại trên 500 năm, được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 3/5 Âm lịch hàng năm và đã trở thành một nếp sống, nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống, gắn bó mật thiết của người dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển Thạch Bàn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) và xã Thạch Kim, Mai Phụ (huyện Lộc Hà).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y nhấn mạnh: "Lễ hội văn hóa truyền thống là một trong những cội nguồn sức mạnh dân tộc, tôn trọng ý thức tâm linh hướng thiện, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân có công với dân với nước. Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống nói riêng và các di sản văn hóa dân tộc nói chung là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn Đảng, toàn dân”.

Địa hình diễn ra lễ hội giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là bằng đường bộ và đường biển nên Bằng Di sản được rước bằng thuyền
Địa hình diễn ra lễ hội giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là bằng đường bộ và đường biển nên Bằng Di sản được rước bằng thuyền 

Ngay sau thủ tục lễ đón bằng, đông đảo cán bộ, nhân dân hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà cùng các xã có đền thờ chính, thờ vọng Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi cùng du khách thập phương đã lên thuyền rồng cử hành lễ rước Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi tại núi Nam Giới thuộc khu vực cảng biển Cửa Sót.

Chiều cùng ngày, tại đền Chiêu trưng Đại vương sẽ diễn ra lễ tế tưởng nhớ, tri ân tới vị anh hùng dân tộc danh tướng Lê Khôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.