Rung chuông lò luyện nhạc

Thị trường đào tạo âm nhạc tư nhân đang có nhiều vấn đề. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia âm nhạc trước việc bung ra của nhiều lò luyện đàn, hát theo hướng thị trường. 

Thành công của những năng khiếu âm nhạc chưa được đào tạo bài bản trong các show truyền hình đã “lên giá” các lò luyện.
Thành công của những năng khiếu âm nhạc chưa được đào tạo bài bản trong các show truyền hình đã “lên giá” các lò luyện.

Giới âm nhạc “kĩ tính” cho rằng đã đến lúc phải “rung chuông” cảnh báo; cùng đó là đặt các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch đào tạo âm nhạc từ giáo dục phổ thông tới đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

Xã hội hóa hay thương mại hóa?

Trước kia việc học hát, học nhạc ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng chỉ có ở các nhà văn hóa thiếu nhi; các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp chỉ tuyển sinh thanh nhạc với đối tượng lớn tuổi, khi về căn bản các em đã định hình giọng thì nay nhu cầu ấy đã thay đổi.

Thực tế, cho thấy không ít bạn trẻ đã trở thành ca sĩ, trở nên “hot” trên thị trường âm nhạc từ những cuộc thi hát trên truyền hình mà không cần qua trường lớp đào tạo bài bản... cũng “gây men” cho các bạn trẻ khác tự mình đi học để đi thi với hy vọng tỏa sáng.

Điều này không chỉ khiến các em nhỏ đến với các “lò” luyện thanh từ rất sớm mà còn còn khiến hàng loạt các “lò” luyện mọc lên như cấm để thỏa mãn ước mơ tỏa sáng khi tham dự các gameshow ca nhạc trên sóng truyền hình.

Chỉ cần lướt trên trang mạng với từ khóa “học thanh nhạc” sẽ có đến vài chục cơ sở xuất hiện với các tên gọi Trung tâm âm nhạc, trường nhạc, học viên âm nhạc, công ty truyền thông giải trí... chưa kể đến các trung tâm giáo dục âm nhạc của cộng đồng thiên chúa hay lớp học nhạc của gia đình phật tử, các lớp nhạc tư nhân...

Đến từ thị trường âm nhạc sôi động nhất nước, việc xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc ở nơi này cũng có những thay đổi chóng mặt trong những năm gần đây, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Phó Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh chia sẻ:

Nếu chỉ bàn đến số lượng thì có thể thấy xã hội hóa đào tạo âm nhạc vô cùng phát triển. Trào lưu này sôi động, nhạy cảm với sở thích thưởng thức hay mong muốn làm nghề của đông đảo các đối tượng.

Khoảng 10 năm gần đây, TP Hồ Chí Minh, khó mà đếm xuể các cá nhân dạy nhạc, các “lò” dạy nhạc hay các trung tâm, các “trường” âm nhạc tư nhân được thành lập với quy mô từ vài chục, thậm chí có cả trăm học viên theo học.

Tuy nhiên, theo NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm, việc học - dạy hát, nhạc đã và đang được xã hội hóa một cách tự nhiên, là dòng chảy mới, nơi ươm mầm và chọn lựa tài năng cho các trường chuyên nghiệp hay nói một cách khác là các trường “vệ tinh” của học viện.

Việc xã hội hóa (hay cũng có thể gọi là thương mại hóa) hoạt động đào tạo âm nhạc tuy đáp ứng nhu cầu những người học hát “cho biết”, học để tham dự một cuộc thi nào đó theo kiểu “đi tắt”... nhưng điều này khiến việc định hướng âm nhạc đôi lúc chệch hướng.

Phân tích về vấn đề này, TS Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia VN cho rằng, sự bùng nổ của các trung tâm, lò luyện âm nhạc thể hiện nhu cầu tất yếu của xã hội trong điều kiện kinh tế của đa số người dân được cải thiện.

“Xu hướng này không những góp phần nâng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân mà còn góp phần mở ra một thị trường giáo dục mới được đánh giá là có tiềm năng, đem lại thu nhập ổn định cho đội ngũ giáo viên âm nhạc...

Nhưng cũng cần phải có sự can thiệp kịp thời để tránh tình trạng lành mạnh hóa thị trường đào tạo âm nhạc đang “ngổn ngang”, “lộn xộn”, mất kiểm soát như hiện nay” - TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Rung chuong lo luyen nhac - Anh 2

Những đề nghị chấn chỉnh

Tuy nhiên do chưa có sự kiểm soát, kiểm định, cơ chế quản lý lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các tổ chức cá nhân hoạt động không chính thức, mạng nặng tính thương mại hóa, trục lợi từ tâm lý học theo phong trào đã làm ảnh hưởng tới những cơ sở giảng dạy nghiêm túc.

Không chỉ thế, một số cơ sở chưa đoạt chuẩn về địa điểm, giáo trình, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, dẫn tới tình trạng dạy sai phương pháp, lệch lạc về thẩm mỹ... làm ảnh hưởng tới sự phát triển tiếp theo của người học, đặc biệt là các học viên còn ở lứa tuổi nhi đồng- TS Tuấn nhấn mạnh.

GS.TS.NSND Ngô Văn Thành - Nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN chia sẻ: Từ hàng chục năm nay không có cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng của các trung tâm đào tạo tư nhân này.

Ở không ít trung tâm, giáo viên chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm âm nhạc để dạy trẻ em học nhạc. “Có nhiều trường hợp các cháu đã theo học vài năm mà vẫn chưa chơi được một bản nhạc nào, thậm chí chưa thể tự đọc nốt nhạc” - Ông nói. Hậu quả của sự lộn xộn trong dạy và học âm nhạc không chuyên không chỉ dừng lại ở sự lãng phí thời gian, tiền của...

Tại nhiều địa phương, hiện tượng các cơ sở đào tạo âm nhạc hoạt động tự phát, người dạy không có văn bằng, chuyên ngành, không có giáo trình mà chỉ dạy theo kinh nghiệm, truyền khẩu cũng được ghi nhận là gây ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo. “Đào tạo âm nhạc sai cũng như đào tạo văn hóa sai, muốn sửa phải mất cả trăm năm...” - GS Ngô Văn Thành nêu quan điểm.

Có lẽ “sốt ruột” trước sự bung ra của những “lò luyện” nên nhiều chuyên gia âm nhạc cũng kiến nghị cần đưa ra các biện pháp đưa ra để quản lý chất lượng các “lò” đào tạo âm nhạc ngoài công lập.

Ví dụ như thành lập các trung tâm kiểm định âm nhạc, huy động các lực lượng chuyên gia xây dựng, biên soạn các chương trình, giáo trình dạy nhạc, tham khảo các tổ chức, hiệp hội kiểm định âm nhạc của các nước phát triển như Thụy Điển, Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản…

Hơn thế, sau thời gian để các trung tâm đào tạo âm nhạc tự phát “mọc lên”, các nhà quản lý cần thống nhất quan điểm nhìn nhận về mô hình xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc hiện nay, xây dựng một mạng lưới các cơ sở dạy nhạc từ địa phương...

TS Lê Anh Tuấn cho rằng cần phải xây dựng quy định mang tính ràng buộc, tính pháp lý cho các đối tượng dạy âm nhạc, các giáo viên dạy nhạc phải được đào tạo, bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ “Phương pháp giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp” do cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp có uy tín trong nước và nước ngoài cấp.

Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cũng đề xuất cần nghiên cứu, sửa đổi, hoặc ban hành quy chế Dạy âm nhạc mới phù với tình hình hiện tại, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi và tại điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân đăng ký, tham gia tổ chức dạy nhạc.

Riêng đối với với các tổ chức, cá nhân dạy nhạc mang tính kinh doanh, PGS.TSKH Phan Đình Tân - Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL) cho rằng cần thực hiện việc cấp phép, như vậy mới có thể nắm bắt quản lý được tốt hơn về quy mô, chất lượng đào tạo.

Trên cơ sở đó cũng nên ban hành các chế tài xử lý vi phạm đối với hoạt động dạy âm nhạc ở địa phương để tránh tình trạng “trắng - đen” lẫn lộn, gây ảnh hưởng tới cảm thụ âm nhạc, định hướng thẩm mỹ của lứa nghệ sĩ, khán giả trẻ.

Theo Đại Đoàn Kết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ