Rồng và ước vọng ngàn năm Thăng Long, Hà Nội

Rồng và ước vọng ngàn năm Thăng Long, Hà Nội

“Tôi đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, lại ở một huyện miền núi xa xôi, hẻo lánh. Tôi muốn gửi những tác phẩm của mình ra Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nhưng chưa biết nên như thế nào!?”. Ông Lê Mưu tâm sự

Nghệ nhân Lê Mưu đang nỗ lực cho ra đời một sản phẩm
Ông Lê Mưu đang nỗ lực cho ra đời một sản phẩm. Ảnh: Đậu Bình

Lý giải cội nguồn niềm đam mê dành cho con Rồng, ông Lê Mưu bộc bạch: “Chẳng phải vì con rồng là biểu tượng của Việt Nam, mà với tôi con rồng đã gắn với làng quê, với những kỷ niệm tuổi thơ, với dáng núi, hình sông, và lũy tre thân thuộc”. Xóm 6 xã Sơn Bình quê ông có tên là Long Hội. “Long hội là rồng hội tụ về đây. Phải là đất thiêng mới có thế như vậy”.

“Nhìn vào đâu, núi đồi, sông suối, hay thân cây tôi đều thấy những dáng rồng, nhất là nhìn vào những gốc tre…”. Bao bọc quanh làng Long Hội là những lũy tre xanh. Lũy tre xanh với làng quê là bóng mát là vật liệu dựng nhà, dựng cửa; là thúng, mủng, rổ rá…, củi đun, nhưng dưới con mắt của ông Mưu tre còn là rồng: Rồng tre…

Nhưng từ tre đến rồng tre là cả một quá trình từ ấp ủ ý định nghệ thuật, phát hiện, sưu tầm (những gốc tre, cành tre có dáng rồng ) cho đến sáng tạo tác phẩm không chỉ là niềm đam mê mà còn là tài năng của nghệ sỹ. Tre thì vô khối, vô kể. Nhưng gộc tre có được hình dáng đầu rồng, râu rồng rất hiếm. Vì vậy, bắt gặp được những gộc tre là những khoảnh khắc, những cơ hội trời cho. “Đi đến đâu, gặp, thấy, những gộc tre có hình có dáng hay hay thì tôi xin bằng được”. Ông Mưu tâm sự.

Rồng đậu. Ảnh: Đậu Bình
Rồng đậu. Ảnh: Đậu Bình

Chúng tôi đã nhều lần đến nhà ông Mưu. Đống nguyên liệu thô là những gốc tre được ông mang về, sau khi phơi khô, ông cho ngâm xuống nước , rồi gác lên chạn bếp sấy khói, bồ hóng chống mối mọt. Từ đống nguyên liệu thô ấy đến tác phẩm nghệ thật là cả quá trình. “Từ nguyên liệu sẵn có, tôi nẩy sinh ý tưởng. Cái nầy hợp với thế rồng chầu, cái này là rồng đáp, rồng leo, rồng lượn, rồng bay vv…”.

Trí tưởng tượng can dự một phần, còn nữa phải đọc Lịch sử nghệ thuật, tìm hiểu kỹ rồng thời Lý, thời Lê, tìm hiểu kỹ các dáng rồng từ chùa chiền, từ các bức vẽ của các họa sỹ, trên cơ sở đó mới thể hiện ý đồ sáng tạo của chính mình…Gần trăm tác phẩm của ông , mỗi tác phẩm mỗi kích thước, hình dáng, tư thế khác nhau, mà kỳ lạ là tác phẩm nào cũng sống động, như hiện diện những khoảnh khắc rất thực.

Có thể nói, ông Lê Mưu đã thổi hồn vào những gộc tre vô tri, vô giác mang đến cho tre những tác phẩm rồng độc đáo. “Khi đã bắt tay vào làm là tôi làm say mê, không ngơi nghỉ. Chỉ cần ấm nước chè xanh là được. Còn dụng cụ thì rất đơn giản, cưa, đục, dao, khoan vv... tôi tự sáng chế ra cả …” -Ông Mưu nói.

Để thành tác phẩm rồng, người chế tác đã phải lựa chọn, sắp xếp, lắp ghép, sáng tạo. Vẫn biết, tác phẩm nào gần với tự nhiên, nguyên khối không để lộ sự lắp ghép, chắp nối là thành công nhất. Về phương diện này, ông Mưu không dấu nghề. “Tôi  sử dụng keo dán chứ, ví như để dính râu rồng, hay lắp ghép một bộ phận nào đấy, nhưng rất hạn chế. Hình dáng uốn lượn của những con rồng chầu chủ yếu tôi uốn từ tre. Tre (kể cả tre già ) đều uốn được , nhưng phải tùy tính và có cách (ngâm nước và sau đó hơ lửa)”…

Chủ nhân sáng tạo không nhằm mục đích kinh doanh. Bạn bè ai đến chơi thích con nào là biếu con đó. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, ông Mưu tâm sự: “Thế là có cơ hội. Dịp này tôi muốn gửi những con rồng tre của tôi ra dự lễ 1000 năm Thăng Long , Hà Nội. Tôi muốn gửi chút hồn quê với Thủ đô yêu dấu”. Nhưng bằng cách nào thì bản thân tác giả chưa liên hệ được. Và bài viết của tôi là một lời giới thiệu chăng!?

Một số tác phẩm của ông Lê Mưu:

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Các tác phẩm của ông Lê Mưu. Ảnh: Đậu Bình

Lê Văn Vỵ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ