Rộn ràng ngày Tết Độc lập

GD&TĐ -  Như thành thông lệ, cứ vào cuối tháng Tám, trên dòng sông Kiến Giang (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) lại vang lên những điệu hò, tiếng mõ và những tay chèo nhịp nhàng rẽ nước đưa con đò của mình tiến lên phía trước. Những “trai bơi, gái đua” làng trên xóm dưới tập trung lại để tổ chức đua thuyền mừng vụ mùa và cầu mong mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình yên.

Mũi Viết, nơi các thuyền đua bơi chuẩn bị tranh tài ở lễ hội đua thuyền truyền thống có lịch sử lâu đời của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. 	Ảnh: T.G
Mũi Viết, nơi các thuyền đua bơi chuẩn bị tranh tài ở lễ hội đua thuyền truyền thống có lịch sử lâu đời của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: T.G

Huyền thoại Đền Bà Lỗ

Lễ hội đua thuyền có từ lâu và được tổ chức sau mùa vụ nông nhàn của bà con nhân dân huyện Lệ Thủy. Trong quan niệm, nhiều người cho rằng đây cũng là lễ hội mừng lúa mới hay lễ hội cầu mùa và làng nào về nhất lễ hội này sẽ được mùa, may mắn…

Người dân huyện Lệ Thủy thường kể câu chuyện về “Bà Lỗ”, người làng An Xá khi thấy trai bơi của làng năm nào cũng đứng áp chót của đoàn bơi nên đành hiến kế.

Truyền thuyết kể rằng, đêm trước ngày hội đua, người thiếu nữ của thôn đã đến gặp mặt từng trai bơi và dặn rằng: Sáng mai, khi thuyền bơi đến mô đất cao đầu làng, tất cả phải nhắm mắt lại và dồn sức vào tay chèo để về đích, tuyệt đối không được nhìn sang hai bên…

Sáng hôm sau, khi các đò bơi gần đến đầu làng An Xá thì đò của làng An Xá đang tụt lại phía sau, bất ngờ trên mô đất cao ấy nhiều trai bơi của các làng thấy một thiếu nữ khỏa thân đứng cổ vũ đội bơi. Họ nhìn lên và không thể nhịn cười nên buông lỏng tay chèo.

Trai bơi của làng An Xá nghe lời dặn, cứ thế dồn hết sức mình vào tay chèo. Cuối cùng, đò bơi của làng An Xá về nhất năm đó. Từ đó về sau, đò bơi của làng An Xá liên tục vô địch giải đua bơi của huyện nhà. Trong sự hân hoan chiến thắng, cả làng mở hội ăn mừng nhưng chẳng ai thấy người thiếu nữ tối qua đến gặp trai bơi dặn dò và cũng là người thiếu nữ khỏa thân trên mô đất cao giúp trai bơi của làng vô địch ở đâu cả. Dân làng tập trung đi kiếm tìm nhưng tìm mãi, tìm mãi không thấy người con gái đó.

Trong câu chuyện dân gian kể lại, sau khi có hành động “dị thường” đó người con gái vì xấu hổ nên đã bỏ làng đi biệt xứ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng khi chứng kiến đội nhà về nhất, người con gái đó đã trầm mình xuống dòng sông quê hương xanh ngát ấy.

Để biết ơn, người dân làng An Xá lập một miếu thờ đặt tên là “Đến Bà Lỗ” và năm nào trước khi đua bơi, người dân làng lên đây thắp hương, đò bơi, thuyền đua mỗi khi đi về trung tâm tham dự đi qua đâu đều hướng mũi đò vào Đền Bà Lỗ vái ba vái rồi mới đi tiếp…

Khoẻ khoắn điệu hò đẩy thuyền...

Sự cuồng nhiệt của người dân khi cổ vũ cho các đội bơi. Ảnh: T.G
 Sự cuồng nhiệt của người dân khi cổ vũ cho các đội bơi. Ảnh: T.G 

Hò đẩy thuyền ở Lệ Thuỷ được sử dụng khi đẩy thuyền ở trên bờ sông hoặc tại nơi cất giữ thuyền về bến, những câu hò thường chỉ để phục vụ việc đẩy thuyền cho nhịp nhàng và mạnh mẽ. Thường một người có giọng hò tốt đứng ra hò cái “Hai bên đứng lại hai hàng/ Người mụi, (đầu thuyền) kẻ lái rập ràng cho mau”.

Khi người hò cái vừa dứt, lập tức tất cả trai tráng đã bám tay chắc chắn vào mạn thuyền vừa đồng thanh hò xố: “Hô hè nì, hô hè nì...” theo nhịp của hò cái. Hò đẩy thuyền thường là những câu lục bát, chủ yếu để động viên các chàng trai, cô gái đang tham gia đẩy thuyền “Đường còn dài lắm anh ơi/ Gắng sức mà đẩy cho mau xuống rào”. Hay như “Hai bên bốn bề hợp sức cho đông/ Đẩy thuyền xuống sông kịp giờ đại lợi/ Hô hè, hô hè...”.

Những câu hò đẩy thuyền được cất lên sôi nổi, rộn ràng. Khi những câu hò phục vụ cho việc đẩy thuyền đã cạn thì người hò cái chuyển sang hò các câu ví von “lời thanh, ý tục” hoặc hài hước để gây cười cho những người đẩy thuyền.

Trong khi những chàng trai vừa hò, vừa đẩy thuyền thì những cô gái đã nhanh nhẹn đặt các đà (con lăn) bằng thân cây gỗ tròn dưới đáy thuyền để giảm ma sát với mặt đất. Thuyền được đẩy đến đâu, điệu hò rộn ràng đến đó, cho đến lúc thuyền được đẩy xuống nước, bọt tung trắng xoá trong tiếng vỗ tay vui mừng, phấn khởi của bà con... thì điệu hò mới kết thúc. Có lẽ, điệu hò khoẻ khoắn này là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng truyền thống ở vùng quê sông nước nơi đây.

Từ rạng sáng ngày Tết Độc lập (2/9), các thuyền lần lượt nối đuôi nhau diễu hành trên sông, sau đó các thuyền bơi đua xếp hàng vào vị trí xuất phát. Giây phút hồi hộp nhất là thời khắc buông phao. Tiếng trống thúc giục liên hồi, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô quyết tâm của các trai bơi, tiếng hò reo của lớp lớp người trên hai bờ sông động viên trai bơi, gái đua.

Cuộc đua diễn ra, dọc hai bên bờ sông, người người đứng chen chân để xem trên đường đua có những cuộc giành giật, bứt phá ngoạn mục, bất ngờ, hấp dẫn của các đội. Khi thuyền đua đến khúc sông nào, trên cả hai bờ sông, người có nón vẫy nón, người cầm mũ ngoắt mũ... cổ vũ cuồng nhiệt. Có người nhào cả xuống sông khoát nước cho trai bơi, gái đua để động viên, tạo niềm hưng phấn cho các tay đua trên đường bơi. Cùng với bọt nước tung toé, sóng nước dậy sóng thì nhấp nhô nón trắng, mũ màu, cờ hoa tạo nên một không gian lễ hội thật rộn ràng, xốn xang lòng người…

Có thể nói, đua thuyền truyền thống của huyện Lệ Thủy là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Quảng Bình được tổ chức hằng năm. Điều đọng lại trong lòng du khách là những hình ảnh “trai bơi gái đua” cố gắng hết mình trên toàn quãng đường đua hàng chục km và có một điều đặc biệt là họ chưa bao giờ bỏ cuộc dẫu về cuối bảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.