Gần một thế kỉ lao động nghệ thuật, nhà văn Tô Hoài đã sáng tác gần 200 tác phẩm, chứng tỏ ở ông một sức sáng tạo mạnh mẽ, dài hơi, kiên nhẫn, đều đặn và liên tục, đủ để đưa nhà văn lão thành trở thành một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam.
Nửa cuộc đời xa… vợ
Cô thiếu nữ Hà thành Nguyễn Thị Cúc năm ấy không phải mối tình đầu, càng không phải mối tình duy nhất của nhà văn tài hoa Tô Hoài nhưng là người phụ nữ duy nhất đi cùng ông đến cuối con đường. Đó là câu chuyện tình “nhiều xa cách” đưa đến một cái kết viên mãn.
Được biết, khi nhìn thấy Tô Hoài lần đầu tiên trong dịp ông về nhà cùng với anh trai, bà Cúc đã cảm nhận được sự khác thường của người thanh niên ấy. Hai chị em bà Cúc đều mê nhà văn Tô Hoài, nhưng chỉ có bà Cúc quyết tâm theo ông đi làm cách mạng dù biết chắc nhiều khó khăn gian khổ.
Đã 70 năm, vẫn còn kỷ niệm về một đám cưới chỉ có đúng một mâm cơm, khách mời chỉ có vợ chồng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và vợ chồng nhà thơ Tố Hữu. Xong xuôi cỗ bàn, cô dâu lên giường ngủ với... mẹ chồng, vì đi sơ tán, lệ làng không cho vợ chồng ngủ chung.
Nhà báo Phương Vũ tâm sự: “Cho đến giờ mẹ tôi vẫn đùa rằng: “Cả đời, chưa một lần lên xe hoa, chưa có một đêm tân hôn”. Từ ngày cưới cho đến tận bây giờ, ông bà ít khi được ở gần nhau. Cưới xong, ông lại đi luôn, lên chiến khu Việt Bắc, còn bà ở lại Phú Thọ làm công tác phụ nữ và dạy học”.
Hòa bình lập lại, công việc ở Hội Nhà văn, việc Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban đoàn kết Á Phi… khiến nhà văn thường xuyên phải đi công tác xa, nhất là đi nước ngoài liên tục.
Ông đi công tác liên miên, nhà không chỉ thiếu vắng trụ cột trong gia đình, mà bà Cúc còn mệt mỏi bởi những lời bàn ra tán vào. Có người còn đến tận nhà mách: “Ông Tô Hoài có con với người khác”. Thực sự, với một người vợ thì đó là nỗi đau!
Nhưng sau chút hoài nghi, chút ghen tuông, đến nay có lẽ, hiếm có cặp vợ chồng văn nghệ sỹ nào “trường thọ” và thắm thiết như vợ chồng nhà văn Tô Hoài. Các cuộc gặp mặt bên Hội Nhà văn hay lễ ra mắt sách, hội thảo về các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, bà Cúc luôn có mặt bên ông.
Khi đã nắm tay nhau đi gần hết cuộc đời, bà Nguyễn Thị Cúc cảm thấy hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc với chồng. Ngoài 90 tuổi, bà vẫn hàng ngày đều đặn chăm sóc, nhắc ông uống thuốc, nghỉ ngơi.
Những bóng hồng quá khứ
Nhà báo Phương Vũ chia sẻ: “Trong 4 người con, tôi hợp tính với bố nhất, được coi là người bạn tâm giao của bố. Từ 15 tuổi, tôi đã được đi theo, chứng kiến, lắng nghe tất cả những sự kiện xung quanh cuộc đời cụ. Không thể nói chính xác những người phụ nữ “đi qua” cuộc đời ông và sau này mẹ tôi đều biết.”
Mối tình sâu sắc nhất phải kể đến cuộc gặp gỡ với bà Nguyễn Kim Phượng (thời điểm trước khi gặp bà Cúc – vợ hiện tại). Sau khi viết xong Dế Mèn phiêu lưu ký cho báo Tân Dân, lĩnh được 30 đồng nhuận bút, Tô Hoài quyết phiêu lưu vào Nam.
Chuyến đi đó, ông đã trúng “tiếng sét ái tình” với cô gái ở Dầu Tiếng, tên Phượng. Hai người yêu nhau say đắm và đã có ý định tiến tới hôn nhân.
Nhưng đường đời gập ghềnh, ngày nhà văn trở ra Bắc là ngày mở đầu cho cuộc ly biệt hơn 40 năm. Anh Phương Vũ chia sẻ: “Cụ kể, những năm đầu, còn liên lạc được với nhau qua thư từ. Mặc dù, một bức thư phải hàng tháng trời mới nhận được, thậm chí có khi tới 3 năm vì phải đi đường vòng.
Bà Phượng thường phải gửi sang Pháp, rồi từ Pháp sang Liên Xô, rồi mới về Hà Nội. Còn thư của bố tôi gửi cho bà Phượng phải gửi qua đường Campuchia, rồi từ đó tới Sài Gòn. Năm 1975, bà Phượng theo gia đình sang Pháp, rồi mới lập gia đình.
Bà kết hôn với một người Pháp, rồi người chồng mất sớm. Về phía bố tôi, ông vẫn viết thư đều đặn cho bà Phượng, dù hy vọng rất mong manh.
Lần nào đi nước ngoài, ông cũng nhờ người này, người kia tìm kiếm bà. Sau khi Việt Nam thống nhất, từ Pháp, bà Phượng thông qua hội Việt kiều hỏi han tin tức của cụ.
Không hiểu sao, sau bao năm bặt vô âm tín, bà Phượng vẫn luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng sẽ có ngày được gặp lại người yêu đầu. Có lần, hú họa, bà gửi cho ông một bức thư mà bên ngoài chỉ đề vỏn vẹn hai dòng chữ: Người nhận: Nhà văn Tô Hoài/ Địa chỉ: Hội Văn nghệ Hà Nội. Rất may, cả Hà Nội rộng mênh mông, nhưng Hội Văn nghệ Hà Nội dù không đề địa chỉ, thư vẫn đến được tay nhà văn Tô Hoài.
Đó là vào những năm 1980. Kể từ đó, hai người nối lại được liên lạc với nhau qua thư từ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của bà Phượng với ông không thành vì bà về đột ngột, còn ông lúc đó lại đi công tác.
Bà không thể nán lại Hà Nội lâu hơn để chờ ông. Rồi một thời gian sau, cụ và bà Phượng chính thức gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách. Khi đó, cả hai ông bà đã già, nhưng tình cảm vẫn còn nồng hậu.
Bà nhiều lần muốn đón ông sang Pháp dưỡng già, nhưng ông đều từ chối vì tuổi đã cao. Đều đặn hàng năm bà Phượng trở về Việt Nam để gặp bố tôi, và tôi là người thu xếp, hậu thuẫn cho cụ trong những dịp như thế.
Ông bà đã cùng nhau đi du lịch Hạ Long, TPHCM. Có đợt, cụ và bà Phượng đã cùng nhau sống trong chùa một tháng trời ở Long Thành (Vũng Tàu). Nhưng bà Phượng đã mất cách đây vài năm”.
Trả lời cho thắc mắc về phận làm con mà vẫn “tiếp tay” cho bố giấu mẹ đến với “người tình”, anh Vũ cười: “Đã có những chuyến đi dài, cả bố và con đều nói dối đi công tác khiến mẹ sinh nghi: “Sao hai bố con hay đi công tác trùng nhau thế?”.
Tôi phải nói là đi hộ tống và chăm sóc bố. Thực sự thì người phụ nữ nào cũng có sự ghen tuông, nhưng tôi hiểu bố tôi. Bản năng con người vốn rất nhiều tình cảm, nhất là người nghệ sĩ. Tôi trân trọng tình cảm của bố và bà Phượng. Đó hoàn toàn là thứ tình cảm trong sáng, tự nhiên và rất đẹp, không hề toan tính”.
“Bố tôi đi nhiều, viết nhiều đến mức nhà văn Nguyễn Tuân đã từng thành thực: “Mày mới là thằng đi nhiều, tao chỉ là đi vờ mà thôi”. Và mỗi chuyến đi của cụ có lẽ lại gắn với một câu chuyện tình đấy!
10 năm gắn bó với Tây Bắc có không ít cô gái vùng cao đã si mê, tình nguyện chăm sóc cụ. Cụ kể: có lúc 3,4 cô vây xung quanh, người rửa mặt, người rửa chân, nấu cơm, giặt quần áo” - Anh Vũ bật mí…
“Đằng sau một người đàn ông tài hoa luôn có bóng dáng của rất nhiều người phụ nữ …!?”. Với một người tài hoa như nhà văn Tô Hoài, chuyện đó lại càng… rôm rả!
“Thường thì những mối quan hệ “ngoài vợ - ngoài chồng” sẽ dẫn đến một hậu quả nhưng “người tình” này (bà Phượng) của bố tôi không xuất hiện để “phá vỡ gia đình”. Đơn giản là họ tìm đến nhau như tìm lại những tình cảm tinh khôi của quá khứ. Sau này mẹ tôi cũng biết và cảm thông hơn!”.
“Phụ nữ mê cụ vì cái duyên và phong cách nghệ sĩ. Cả con gái nước ngoài cũng không thoát được sự hấp dẫn của cụ. Nhớ hồi cụ sang Rumani, cô gái Rumani làm phiên dịch cũng mê cụ như điếu đổ. Sau đó, theo tiếng gọi của tình yêu, cô đã sang tận Việt Nam tìm và ngỏ lời… muốn lấy cụ. Tất nhiên là cụ từ chối!”.