Robot tình yêu: Hàn gắn cảm xúc con người

GD&TĐ - Ông trùm thời trang Nhật Bản Yasuka Maezawa đã mua công ty khởi nghiệp Groove X chuyên sản xuất robot đồng hành tạo cảm xúc yêu thương.

Một nhân viên ôm chú robot Lovot tại một quán cà phê ở Kawasaki, Nhật Bản.
Một nhân viên ôm chú robot Lovot tại một quán cà phê ở Kawasaki, Nhật Bản.

Maezawa cho biết ông bị thu hút bởi khả năng “khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc” của robot có tên Lovot này.

Lấp đầy sự trống trải

Ông Yusaku Maezawa đã mua lại công ty khởi nghiệp GrooveX thông qua quỹ đầu tư của mình.
Ông Yusaku Maezawa đã mua lại công ty khởi nghiệp GrooveX thông qua quỹ đầu tư của mình.

Gần 2 năm trước khi Yusaku Maezawa bắt đầu chuyến du lịch tới Trạm Quốc tế (ISS), ông đã khiến báo giới chú ý khi khởi động một cuộc tìm kiếm toàn cầu về một “người bạn đời” để cùng lên Mặt trăng với mình.

Trong cuộc tìm kiếm tình yêu qua mạng, ông Maezawa, khi đó 44 tuổi, hy vọng rằng sẽ tìm được một người bạn đồng hành để giảm bớt “cảm giác cô đơn và trống trải” đang dâng lên trong lòng.

Tuy nhiên, vài tháng sau, ông bất ngờ hủy việc tìm kiếm người bạn đời lãng mạn vì một lý do cá nhân nào đó. Giờ đây, dường như Maezawa đang đặt cược vào những con robot về khả năng mang lại hạnh phúc cho con người.

Tỷ phú lập dị trên có được số tài sản lớn thông qua trang web thời trang thương mại điện tử Zozotown. Mới đây ông tuyên bố quỹ đầu tư của mình đang mua công ty khởi nghiệp Nhật Bản có tên Groove X.

Công ty này sản xuất ra robot có tên Lovot – một sự kết hợp giữa 2 từ Love (tình yêu) và robot (người máy). Các điều khoản của thỏa thuận mua bán này không được tiết lộ.

Theo trang web của công ty, những chú robot đồng hành trên có kích thước bằng vật nuôi. Chúng có hình dáng pha trộn giữa chim cánh cụt, cú và gấu bông đáng yêu. Trang phục bên ngoài của Lovot cũng có thể được thay đổi.

Vẻ đáng yêu của Lovot khiến người ta khó có thể bỏ qua. Khi bạn cầm nó lên, Lovot cảm thấy ấm áp như một sinh vật sống. Nếu bạn đu đưa Lovot trong vòng tay, nó sẽ nhắm mắt và chuyển sang trạng thái như đang ngủ.

Chúng có nhiệm vụ khuấy động “bản năng yêu thương” ở con người. Vì vậy, chúng có thể dùng trong các viện dưỡng lão và chơi với trẻ em mặc dù không làm bất kỳ công việc nào cho con người.

Hữu ích trong đại dịch

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, những chú robot được cho là “lan tỏa yêu thương” này cũng đã tìm thấy mục đích mới trong việc an ủi, đồng hành với những người cô đơn vì phải cách ly xã hội.

Theo công ty, bằng công nghệ máy học (learning machine), những chú robot mắt to di chuyển trên những bánh xe này có hơn 50 cảm biến để phản hồi các kích thích từ con người (mà chúng có thể phân biệt qua camera nhiệt).

Loại robot này hiện chỉ có bán ở Nhật Bản với mức giá 2.825 USD (khoảng 64,6 triệu đồng) cho một robot cộng với phí dịch vụ hàng tháng khoảng 80 USD (khoảng 1,8 triệu đồng).

Giám đốc điều hành Kaname Hayashi đã thành lập công ty Groove X từ năm 2015. Trước đó ông làm ở Tập đoàn SoftBank và từng phát triển robot hình người có tên Pepper.

Công ty Groove X đã nhận được tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản và công bố thiết bị Lovot đầu tiên của mình cho thị trường địa phương vào năm 2019. Trên thực tế, trước đây công ty mô tả nó “không phải là một robot hữu ích”. Công ty cho biết robot này được “sinh ra chỉ vì một lý do, đó là để được bạn yêu mến”.

“Tôi chưa từng tưởng tượng một chú robot có thể chữa lành cho mình” – ông Maezawa nói trong một tuyên bố khi thông báo việc quỹ của ông mua lại Groove Z.

Tuy robot này “không thể lau dọn hay làm việc” nhưng Maezawa nói rằng ông thấy “tiềm năng lớn trong sự hiện diện của nó có thể khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc, đặc biệt là vào thời điểm này” – ông cho biết khi ám chỉ đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Trong thông báo về việc bán cổ phần của mình trong Groove Z cho Quỹ Maezawa, Tập đoàn Mạng lưới Đổi mới của Nhật Bản nhấn mạnh, Lovot đã thu hút “sự chú ý đáng kể từ khía cạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch Covid-19”. Những chú robot này cũng được sử dụng nhiều tại các “nhà trẻ, trường tiểu học và các viện dưỡng lão”.

Trong tuyên bố của mình, ông Maezawa cũng bày tỏ hy vọng Groove X có thể sớm bắt đầu xuất khẩu robot của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, Groove X từ chối sắp xếp để ông Maezawa hay bất kỳ ai của công ty trả lời phỏng vấn với các lý do về lịch trình thời gian.

Thực khách giao lưu với robot Lovot tại một quán cà phê ở Kawasaki, Nhật Bản.
Thực khách giao lưu với robot Lovot tại một quán cà phê ở Kawasaki, Nhật Bản.

Trở thành bạn yêu quý

Chuyện này nghe giống như chuyện khoa học viễn tưởng nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng có rất nhiều tiềm năng để robot trở thành người bạn đồng hành yêu quý của con người.

Chuyên gia nghiên cứu robot cá nhân Kate Darling tại Media Lab thuộc Viện Massachusetts (Mỹ) cho biết: “Có rất nhiều nghiên cứu về sự tương tác giữa người và robot cho thấy, con người có thể phát triển tình cảm gắn bó thực sự với robot và điều này có thể được khuyến khích một cách có chủ đích thông qua thiết kế.

Chúng ta là những sinh vật có liên hệ. Tôi chắc chắn mọi người có thể và sẽ liên hệ tình cảm với robot trong tương lai. Những robot xã hội, hoặc robot được thiết kế có chủ đích để thu hút mọi người ở mức độ cảm xúc xã hội, vẫn chưa được phát triển thành công ở Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thời gian”.

Mặc dù vậy, đây vẫn là một cuộc chiến khó khăn. Bằng chứng là một tỷ phú Nhật Bản khác có tên Masayoshi Son đã gặp không ít thách thức trong thị trường này.

Son và công ty SoftBank của ông đã mất nhiều năm để ra mắt Pepper – chú robot do nhà sáng lập Groove X tạo nên. Tuy nhiên vào năm ngoái, SoftBank cho biết họ đã dừng sản xuất Pepper với lý do thiếu nhu cầu.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.