Thầy giáo sáng chế robot đánh trống

Sau thời gian nghiên cứu, một giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã sáng chế thành công robot đánh trống tự động. Sáng chế này giúp trường học đỡ lo trong việc canh giờ và giữ lại được nét văn hoá đặc trưng của ngành Giáo dục.

Thầy Nguyễn Hữu Thọ bên robot đánh trống trường.
Thầy Nguyễn Hữu Thọ bên robot đánh trống trường.

Trước đây, thầy Nguyễn Hữu Thọ (giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) đã nghiên cứu thành công hệ thống chuông tự động để cung cấp cho các trường phổ thông trên địa bàn. 

Sáng chế này được các trường hưởng ứng nhưng nhiều thầy cô vẫn canh cánh nỗi lo về việc mất nét văn hoá đặc trưng của ngành Giáo dục khi thay thế tiếng trống bằng tiếng chuông vào mỗi buổi sớm, chiều.

Thầy Thọ kể lại: “Khi tiếp xúc với nhiều giáo viên thì ai cũng muốn giữ lại tiếng trống trường vì đã gắn bó với nhiều thế hệ học trò từ xưa đến nay. 

Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại để giữ lại tiếng trống phải có người canh giờ để đánh trống mỗi ngày nhưng không phải lúc nào cũng chính xác vì chỉ cần quên chút xíu là tiếng trống bị trễ gây mất đồng bộ.

 Vì vậy tôi suy nghĩ sáng chế ra robot đánh trống để đáp ứng yêu cầu chính xác trong giờ giấc và đặc biệt là giữ lại nét văn hoá của các trường”.

Đầu năm 2014, thầy Thọ bắt đầu nghiên cứu để chế tạo ra robot đánh trống trường tự động. Tháng 10/2014, robot đầu tiên được chế tạo thành công với chiều cao 1,6m gồm: 2 chân, thân, đầu, bộ phận điện, động cơ chuyển động, tay đánh trống… Thầy Thọ cho biết: “Khó nhất là phải lập trình để robot đánh trống theo giờ, ngày đã cài đặt sẵn và điều đặc biệt là lực đánh trống phải mạnh để tiếng vang xa và phải có nhịp điệu”. Nguyên lý hoạt động của robot, bộ phận điện đã lập trình sẵn điều khiển phần động cơ bên trong giúp cánh tay robot cầm dùi đánh vào bề mặt trống. Robot có thể đánh 3 tiếng hoặc 1 hồi dài tuỳ theo việc cài đặt.

Thông thường, thời gian vào học, ra chơi hay tan học ở các trường hầu như cố định suốt cả năm và thậm chí nhiều năm nên sẽ lập trình sẵn cho robot hoạt động trong thời gian dài mà không cần phải điều chỉnh. Song song với robot cài đặt sẵn ngày, giờ cố định, dự kiến thầy Thọ sẽ chế tạo robot cho các trường tự cài đặt, điều chỉnh giờ hoạt động theo ý muốn. Robot được cắp điện trực tiếp và có gắn thêm bộ tích điện bên trong, khi bị cúp điện từ 1 đến 2 ngày robot vẫn hoạt động bình thường nên đảm bảo việc hoạt động liên tục.

Theo đánh giá, robot đánh trống tự động sẽ rất cần thiết nhất là đối với các trường phổ thông vì vừa mang tính hiện đại và giữ được nét văn hóa. Thầy Thọ cho biết: “Khi có robot này các trường sẽ khỏi phải lo canh giờ đánh trống sẽ tiết kiệm một chi phí khá lớn mà hiệu quả lại cao. Chất liệu robot làm bằng sắt mạ kẽm nên đảm bảo không rỉ sét nên tuổi thọ có thể tới 20 năm”. Hiện tại, thầy Thọ mới chế tạo thành công robot đánh trống tự động đầu tiên và dự kiến sẽ đem triển lãm tại Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long sắp khai mạc tại tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời xúc tiến việc đăng ký bản quyền và sản xuất theo đơn đặt hàng của các trường trong thời gian tới.

Robot hoạt động nhờ vào hệ thống điện cắm trực tiếp và có cả bộ tích điện để đảm bảo hoạt động liên tục.
Robot hoạt động nhờ vào hệ thống điện cắm trực tiếp và có cả bộ tích điện để đảm bảo hoạt động liên tục. 

Hiện tại ở Việt Nam chưa ai nghiên cứu sản xuất robot đánh trống trường nên nhu cầu của thị trường là khá lớn. 

Robot đánh trống trường được lập trình tự động.
 Robot đánh trống trường được lập trình tự động.

Tuy nhiên, mục tiêu của thầy Thọ là không đặt nặng vấn đề kinh doanh nên sẽ giảm tối đa giá thành sản xuất làm sao các trường đều có thể mua được sản phẩm với giá rẻ nhất. Dự kiến khi đưa ra thị trường giá thành, mỗi robot này có giá chưa đến 10 triệu đồng và sẽ sử dụng trong thời gian rất dài.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ