An toàn bữa ăn bán trú:

Rõ người, rõ việc trong kiểm tra giám sát bữa ăn bán trú

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một trong những khâu quan trọng để có bữa ăn bán trú an toàn là kiểm tra, giám sát.

Cô trò Trường Mầm non Tân Hội B (huyện Đan Phượng) trước giờ ăn trưa.
Cô trò Trường Mầm non Tân Hội B (huyện Đan Phượng) trước giờ ăn trưa.

Bữa ăn bán trú có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Một trong những khâu quan trọng để có bữa ăn an toàn, các nhà trường phải tuyển chọn đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng có trình độ và nhà cung ứng thực phẩm uy tín, cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn…

Tăng cường giám sát

“Mỗi tối khi cả nhà ăn cơm tối, tôi đều nghe các con kể chuyện hôm nay ở trên lớp được ăn các món rất ngon như thịt lợn, thịt gà, tôm, súp bí đỏ, súp ngô… Cháu còn kể khi con ăn hết bát cơm được cô lấy cho bát thứ hai. Những hôm được nghỉ làm, tôi ra trường từ sáng sớm để cùng các cô tham gia vào quá trình giao nhận thực phẩm. Mình phải tận mắt chứng kiến mới yên tâm về chất lượng thực phẩm”, chị Hường cho hay.

Có hai con học lớp 5 tuổi và 3 tuổi tại trường mầm non ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị Nguyễn Thúy Hường tâm sự, điều vợ chồng chị quan tâm hàng đầu khi cho con đi lớp chính là chất lượng bữa ăn bán trú của trẻ. Hàng ngày, chị Hường đều hỏi cô giáo xem hôm nay các con ăn trưa có những món gì, ăn có ngon miệng không, ngủ có đúng giờ giấc không? Nhờ sự liên hệ thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm lớp, chị luôn yên tâm về chất lượng bữa ăn bán trú của con.

Tương tự, chị Hoàng Thị Linh – phụ huynh có con 5 tuổi tại quận Thanh Xuân cũng bày tỏ quan điểm, trẻ đến trường phải ăn ngon, ngủ đủ giấc và không bị bệnh mới là ngôi trường hạnh phúc. Yếu tố an toàn bữa ăn bán trú luôn là mối quan tâm, lo lắng của tất cả phụ huynh.

Ngoài ra, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, số trẻ 5 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chưa nhiều nên cần thiết phải nâng cao sức đề kháng cho trẻ từ bữa ăn học đường. Do đó, chị Linh mong muốn, các nhà trường ngoài đảm bảo ăn bán trú thì công tác phòng chống dịch cũng cần được đẩy mạnh, tạo cho trẻ môi trường thật sự lành mạnh để phát triển toàn diện.

Là đơn vị có hơn 600 trẻ đăng ký ăn bán trú tại lớp, Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) luôn coi công tác an toàn bán trú là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu An cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản khi tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ là phải kiểm soát thật chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào.

Hàng năm, nhà trường đều lựa chọn các nhà cung ứng thực phẩm có đủ hồ sơ năng lực, pháp lý và nguồn thực phẩm rõ ràng, bảo đảm an toàn để có thể truy xuất khi cần thiết. Khâu giám sát đóng vai trò vô cùng quan trọng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu bất thường của thực phẩm.

“Đầu giờ sáng, nhà trường cử bộ phận chuyên môn cùng đại diện phụ huynh học sinh tới để nhận thực phẩm từ các nhà cung cấp. Nếu thấy dấu hiệu bất thường như thịt có màu lạ, không tươi thì lập tức yêu cầu đổi trả. Quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm cho tới khi đưa lên bàn ăn đều được thực hiện theo nguyên tắc một chiều.

Trường cũng tiến hành lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Nhờ đó, công tác bán trú của nhà trường được thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm nên các bậc phụ huynh rất tin tưởng khi gửi gắm con em tại trường” – cô Thu An nói.

Tại nhà bếp Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), mỗi nhân viên nuôi dưỡng đều có một nhiệm vụ riêng biệt và thực hiện đúng tác phong.

Tại nhà bếp Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), mỗi nhân viên nuôi dưỡng đều có một nhiệm vụ riêng biệt và thực hiện đúng tác phong.

Trẻ ăn ngon, ngủ tốt, bố mẹ mới an tâm

Trường Mầm non Tân Hội B (huyện Đan Phượng) có 595 trẻ đăng ký ăn bán trú tại trường. Cô Đỗ Thu Hằng – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, ngay từ khâu lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm cũng phải đủ các điều kiện theo quy định.

Đặc biệt, đầu giờ sáng hàng ngày khi nhận thực phẩm phải có đầy đủ 5 thành phần gồm đại diện ban giám hiệu, kế toán, nhân viên y tế kiêm thủ kho, bếp trưởng, đại diện giáo viên. Mỗi tuần có từ 2 - 3 buổi sẽ có đại diện ban thanh tra nhân dân, phụ huynh học sinh tới kiểm tra đột xuất. Khi kiểm tra nếu đủ định lượng thực phẩm đã báo từ hôm trước và đảm bảo chất lượng, an toàn, nhân viên nuôi dưỡng mới đem thực phẩm vào sơ chế. Khi lưu mẫu phải niêm phong và ghi sổ sách theo quy định.

“Hàng ngày, giáo viên đứng lớp sẽ báo cáo với Phó Hiệu trưởng phụ trách nuôi dưỡng về chất lượng của bữa ăn. Nếu có món ăn nào mới hoặc trẻ ăn chưa quen thì báo để nhà trường chỉ đạo tổ nuôi dưỡng điều chỉnh thực đơn sao cho phù hợp. Toàn trường có 10 nhân viên nuôi dưỡng với đủ trình độ chuyên môn về nấu ăn và được tập huấn thường xuyên theo quy định.

Việc lựa chọn nhà cung ứng cũng được thực hiện theo hình thức mời thầu. Những đơn vị đủ hồ sơ năng lực, giá cả hợp lý và bảo đảm truy xuất nguồn gốc mới được nhà trường chọn. Lợi thế của chúng tôi là có nhà cung ứng rau sạch đóng ngay trên địa bàn nên phụ huynh, giáo viên rất yên tâm khi sử dụng”, cô Hằng cho biết thêm.

Bên cạnh công tác an toàn bán trú, việc bảo đảm yêu cầu phòng dịch cũng là khâu không thể lơ là. Cô Bùi Thị Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức) cho hay, hàng tuần nhà trường đều quán triệt tới giáo viên các lớp về việc tổng vệ sinh lớp học, cọ rửa đồ dùng, đồ chơi của trẻ theo quy định. Hơn nữa, đang là thời điểm giao mùa nên việc bảo đảm vệ sinh lớp học cũng góp phần rất lớn vào việc bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Nhà trường đã và đang chủ động phòng dịch bằng việc tăng cường vệ sinh trường lớp, phát quang các bụi rậm, khu vực chứa nước đọng và phun thuốc để diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Cùng với đó, trong bữa ăn hàng ngày cũng được bố trí các món ăn theo mùa đảm bảo nóng sốt, phù hợp với sở thích để trẻ ăn ngon, ngủ tốt và tăng sức đề kháng trước nguy cơ tấn công của dịch bệnh.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Đan Phượng, các nhà trường cần xây dựng thực đơn nhà trẻ, mẫu giáo theo quy định. Thực đơn sử dụng đa dạng thực phẩm, tăng cường rau xanh, quả chín, sữa và các chế phẩm từ sữa, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực đơn hạn chế sử dụng đường và muối. Lượng đường không quá 15g/trẻ/ngày, lượng muối không quá 3g/trẻ/ngày đối với trẻ dưới 5 tuổi. Các đơn vị thu tiền ăn thấp cần tăng cường sử dụng nông sản, thực phẩm giàu dinh dưỡng sẵn có ở địa phương để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ; công khai thực đơn, thực phẩm, đơn giá hàng ngày…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ