Theo UPI, trong quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã chiết xuất lõi rêu được lấy từ một khối vật chất hữu cơ đóng băng ở đảo Signy, ngoài khơi bán đảo Nam Cực. Bằng công nghệ xác định tuổi, các nhà khoa học xác định thảm rêu này có từ cách đây ít nhất 1.530 năm.
Sau đó, rêu được đưa vào lồng ấp với điều kiện ánh sáng và nhiệt độ có thể kích thích tăng trưởng. Sau một vài tuần được lưu giữ trong các điều kiện thích hợp, thảm rêu có dấu hiệu hồi sinh và bắt đầu phát triển trở lại.
Theo Peter Convey - Giáo sư Sinh vật học thuộc Trung tâm Khảo sát Nam Cực của Anh, đây là lần đầu tiên một loài thực vật được hồi sinh sau nhiều thế kỷ bị đóng băng.
Thí nghiệm này cũng cho thấy sinh vật đa bào hay thực vật có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài hơn so với suy nghĩ trước đây của các nhà khoa học.
Các chuyên gia cho rằng kết quả thí nghiệm này có thể cung cấp các bằng chứng về tỷ lệ phân hủy thấp ở rêu, đồng thời có ảnh hưởng nhất định đến các nghiên cứu về hiện tượng ấm lên toàn cầu hiện nay.
BBC cho hay, các thảm rêu có độ tuổi hơn 5.000 năm có thể cung cấp dữ liệu về điều kiện thời tiết và khí hậu. Trước đây, các nhà nghiên cứu từng thực hiện thành công thí nghiệm hồi sinh rêu bị đóng băng trong 20 năm.