Rèn kỹ năng thoát hiểm cho trẻ mầm non khi có cháy

GD&TĐ - Dù là tuổi mầm non, việc rèn cho cả cô và trò các kỹ năng thoát hiểm khi có cháy đóng vai trò quan trọng để bảo vệ chính các em nếu xảy ra hỏa hoạn.

Cô trò Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thực hành kỹ năng thoát hiểm khi có cháy tại trường.
Cô trò Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thực hành kỹ năng thoát hiểm khi có cháy tại trường.

Mới đây đã xảy ra sự cố cháy tầng hầm để xe ở Trường Tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến nhiều người bàng hoàng. Ngay sau đó, ban giám hiệu nhà trường đã bình tĩnh thực hiện theo các bước đã được tập huấn, phối hợp với các lực lượng để kịp thời sơ tán học sinh tới nơi an toàn, xử lý đám cháy trong thời gian ngắn, không gây thiệt hại gì về người. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy nổ tại các nhà trường.

Cuộc sống hàng ngày luôn tiềm ẩn những tình huống bất ngờ với hậu quả khó lường có thể xảy ra. Điều này lại càng nguy hiểm đối với trẻ em, bởi đây là đối tượng chưa đủ kiến thức, kỹ năng để xử lý tình huống. Vì thế, bảo đảm an toàn cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của ngành Giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo cô Nguyễn Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), những năm gần đây các vụ hỏa hoạn lớn nhỏ liên tục xảy ra gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Chính vì vậy, việc hướng dẫn và giáo dục cho trẻ kỹ năng xử lý tình huống thoát nạn là vô cùng cần thiết.

Việc tập huấn các kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy nổ tại các trường học đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Việc tập huấn các kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy nổ tại các trường học đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Trên tinh thần đó, thực hiện chuyên đề “Bồi dưỡng kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên cốt cán cấp học mầm non” của Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, Trường Mầm non Xuân Đỉnh B vừa phối hợp tổ chức tập huấn “Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thực hành phương án thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn” tại trường.

Tại đây, Trung tá Ngô Văn Anh đến từ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đã điểm qua tình hình an toàn phòng chống cháy nổ trong năm 2022; nguyên nhân về những vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được cán bộ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy phổ biến các kiến thức về phòng cháy

Các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được cán bộ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy phổ biến các kiến thức về phòng cháy

Đồng thời, vị diễn giả cũng truyền đạt những kiến thức cơ bản về PCCC, các văn bản pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ, các nguyên nhân gây ra cháy nổ, tính chất nguy hiểm của đám cháy, một số nguyên nhân có thể gây cháy tại trường học và gia đình, khu dân cư, một số biện pháp phòng cháy chữa cháy cơ bản cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường...

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền cũng cho hay, cô trò nhà trường đã thực hành kỹ năng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp khi có hỏa hoạn. Trẻ được hướng dẫn các kiến thức phát hiện sự cố và có một số kỹ năng thoát hiểm. Với tình huống giả định xảy ra cháy tại khu vực tại lớp mẫu giáo lớn A3 tầng 3, khu nhà A, cô và trẻ trong lớp đã dùng khăn ẩm che mũi miệng, di chuyển ra ngoài một cách nhanh chóng, đồng thời thông báo cháy đến các lớp khác trong trường.

Trẻ được cô giáo hướng dẫn thoát hiểm khi xảy ra cháy.

Trẻ được cô giáo hướng dẫn thoát hiểm khi xảy ra cháy.

"Chỉ sau ít phút khi nghe thấy tiếng còi báo cháy, toàn bộ cô và trẻ Trường Mầm non Xuân Đỉnh B đã di chuyển thoát hiểm an toàn ra khu vực tập kết dưới sân trường. Buổi diễn tập hết sức thành công nhờ có sự chung tay vào cuộc rất nghiêm túc của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường", cô Huyền nhấn mạnh.

Trung tá Ngô Văn Anh khẳng định: "Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên trong công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh là vô cùng cần thiết. Chúng tôi đã hướng dẫn những kỹ năng hết sức đơn giản, nhưng lại rất quan trọng và cần thiết khi có tình huống có cháy tại trường mầm non. Đây là hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH đối với các trường mầm non khi hoạt động trở lại sau nghỉ dịch Covid-19. Đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về công tác PCCC cho toàn ngành Giáo dục".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.