'Vẽ đường' cho trò tránh xa bạo lực học đường

GD&TĐ - Sự vào cuộc của các đơn vị, trường học tại tỉnh Trà Vinh đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống bạo lực học đường.

Công an tỉnh Trà Vinh tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học sinh.
Công an tỉnh Trà Vinh tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học sinh.

Gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc

Một trong những giải pháp hiệu quả được thực hiện tại tỉnh Trà Vinh là Câu lạc bộ “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường”. Câu lạc bộ này ra mắt vào năm 2020 với mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học và khu vực xung quanh nhà trường. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhân rộng được 97 câu lạc bộ tại các trường học trong toàn tỉnh.

Để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, các đơn vị, địa phương và nhà trường đã cùng vào cuộc. Trong đó, hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm, Trưởng Công an xã làm phó chủ nhiệm, cùng các thành viên gồm Bí thư Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách đội, Chủ tịch công đoàn, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, Trưởng Ban nhân dân ấp, bảo vệ nhà trường và giáo viên chủ nhiệm các lớp học.

Từng thành viên trong câu lạc bộ tuyên truyền, vận động giáo viên, phụ huynh và học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; Quản lý, giáo dục, kiểm tra, ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy của nhà trường và các hành vi vi phạm pháp luật; Đảm bảo trật tự công cộng, trật tự, an toàn giao thông. Câu lạc bộ thường xuyên gặp gỡ và họp định kỳ hàng tháng để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, thảo luận và đưa ra giải pháp nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết tình huống phát sinh.

Công tác tuyên truyền còn được thực hiện qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và tiết học pháp luật và đời sống. Giáo viên lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật, cập nhật đến cán bộ, giáo viên, học sinh về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm hại tình dục trẻ em và những tác hại, hệ lụy và hậu quả về mặt pháp lý để cán bộ, giáo viên và học sinh phòng ngừa, cảnh giác.

Câu lạc bộ kết nối, chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội như website của trường, trang Fanpage của Đoàn thanh niên, Zalo của nhóm chủ nhiệm và nhóm Ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã truyền tải kịp thời những thông tin, văn bản phổ biến pháp luật đến gia đình học sinh cũng như từng học sinh nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội khác.

Theo lãnh đạo Trường THPT Nhị Trường (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), Câu lạc bộ “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường” tuyên truyền, vận động giáo viên, phụ huynh và học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh trật tự trong và ngoài khu vực trường học; kiểm tra ngăn chặn học sinh vi phạm nội qui của nhà trường và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đảm bảo trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông ở cổng trường.

Tại Trường THPT Phong Phú (huyện Cầu Kè, Trà Vinh), từ khi đi vào hoạt động, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường” kịp thời ngăn chặn 5 vụ học sinh có mâu thuẫn với thanh niên ở nơi khác đến, không để xảy ra tình trạng đánh nhau hay phát hiện học sinh có tàng trữ vũ khí thô sơ; kịp thời giáo dục, nhắc nhở 77 trường hợp học sinh có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông đường bộ…

Học sinh tỉnh Trà Vinh tham gia tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường.

Học sinh tỉnh Trà Vinh tham gia tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường.

Chủ động trang bị kỹ năng cho học sinh

Các cơ sở giáo dục, trường học ở tỉnh Trà Vinh còn có giải pháp tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với chuyên đề “phòng, chống bạo lực học đường”.

Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, trường học là môi trường giáo dục tốt nhất, là nơi các em có thể tiếp thu những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và có những mối quan hệ bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, hiện nay trong môi trường đó tình trạng bạo lực học đường đã và đang tồn tại âm thầm, lặng lẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của các em.

Để trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho học sinh, việc giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường là hết sức quan trọng.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề TP Trà Vinh là điểm sáng trong việc tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với chuyên đề “phòng, chống bạo lực học đường”. Thông qua chương trình, các chuyên gia sẽ truyền đạt đến học sinh một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường thông qua những số liệu, hình ảnh, vụ án…

“Chuyên đề giúp em và các bạn có kiến thức, kỹ năng và biện pháp phòng chống như biết kiềm chế cảm xúc, quan tâm, giúp đỡ mọi người… Chương trình còn mang đến cho học sinh kiến thức về pháp luật, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình…”, em Lê Bảo Xuyên, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề TP Trà Vinh cho biết.

Theo lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề TP Trà Vinh, chuyên đề "phòng chống bạo lực học đường" rất ý nghĩa, không chỉ trang bị kiến thức về phòng chống bạo lực học đường mà rèn cho học sinh những kỹ năng, cách xử lý khi gặp các trường hợp có thể xảy ra trong cuộc sống.

Để góp phần giáo dục pháp luật, ngăn chặn bạo lực học đường, Đội tuyên truyền pháp luật của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Trà Vinh cũng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Thông qua chương trình, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tập trung tuyên truyền các chuyên đề như: Một số điểm cần lưu ý khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; phòng, chống bạo lực học đường; một số điểm cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội; phòng chống tác hại ma túy trong học sinh, sinh viên; tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử; xâm hại tình dục trẻ em và một số nội dung có liên quan…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ