Rèn đạo đức qua hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Trong các hoạt động giáo dục, các nhà trường tại Hải Phòng chú trọng rèn đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm.

Cô trò Trường Mầm non Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng trong giờ học ngoại khoá.
Cô trò Trường Mầm non Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng trong giờ học ngoại khoá.

Tăng cường trải nghiệm

Cô giáo Đỗ Thị Hương, Trường Mầm non Liên Am, huyện Vĩnh Bảo là giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác giáo dục trẻ. Cô thường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục thực tế, giúp trò được trải nghiệm trong không gian ngoài lớp học, trong sân trường từ đó các con được lớn lên trong trải nghiệm thực tế với những bài học đầu đời bổ ích.

Cô Hương chia sẻ, giáo viên mầm non là người thầy đầu tiên và quan trọng của trẻ, dạy trẻ những bài học đầu tiên của cuộc sống, là người ươm mầm nhân cách cho trẻ thơ. Vì thế, trong công tác, bên cạnh tư cách nhà giáo, cô Hương luôn yêu thương, chăm sóc trẻ như người mẹ các con.

Cô Đỗ Thuý Hằng- Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Am chia sẻ: Trường có 300 cháu trong đó trẻ nhà trẻ là 84 cháu; MG là 216 cháu. Tại trường mầm non Liên Am việc giáo dục đạo đức lối sống cho trẻ luôn được quan tâm, chú trọng và được thực hiện thông qua các hoạt động thực tế.

Với hoạt động học, giáo viên giáo dục cho trẻ nhận biết các hiện tượng xảy ra xung quanh trẻ; tạo cho trẻ được khám phá trải nghiệm để có những kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng trong sinh hoạt: Ăn uống hợp vệ sinh; ăn đúng cách; Kỹ năng phòng chống dịch bệnh : Đeo khẩu trang; thực hiện vệ sinh sạch sẽ; Kỹ năng ứng phó với thiên tai, hỏa hoạn; Kỹ năng bảo vệ môi trường; Kỹ năng tham gia giao thông; Kỹ năng phòng tránh đuối nước.

Cô Hương và học trò trong giờ học.

Cô Hương và học trò trong giờ học.

Thông qua các hoạt động vui chơi, giáo viên giáo dục trẻ kỹ năng trong sinh hoạt như: Cách chế biến món ăn; bổ quả, bày đĩa; Cắm hoa ngày sinh nhật, ngày lễ, tết…

Thông qua lao động: Giáo dục trẻ kỹ năng chăm sóc cây, hoa, con vật nuôi; kỹ năng phòng tránh con vật, thú dữ..

Bằng việc tổ chức ngày hội, ngày lễ nhà trường trang bị cho các con kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể trẻ rèn tính tập trung, tự lập, mạnh dạn.

Cô Hằng cũng cho hay, với đặc thù là trường học ngoại thành vì thế trường có không gian thoáng, sân chơi rộng rãi nên các hoạt động ngoài trời dễ dàng được thiết kế. Trẻ được “tham gia giao thông” trong góc chơi giao thông của nhà trường; các con được câu cá, chơi trò chơi với nước trong sân chơi; trường còn trồng cây xanh, cây bóng mát nên việc chăm sóc bồn hoa cây cảnh để giúp trò cảm nhận sự gần gũi có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên cũng là bài học giáo dục bổ ích.

Chú trọng giáo dục nề nếp

Năm học này Trường Tiểu học Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo có hơn 800 học sinh. Theo thầy Vũ Văn Tính-Hiệu trưởng nhà trường,việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được nhà trường quan tâm qua việc xây dựng các quy định về nền nếp đối với học sinh, mỗi đồng chí giáo viên đều làm tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm, gương mẫu, quan tâm đến việc xây dựng nền nếp của lớp và thực hiện nền nếp của nhà trường.

Trường luôn thực hiện lồng ghép giảng dạy đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho trò thông qua các môn học. Thực hiện đúng, đủ chương trình môn Đạo đức, bởi đây là môn học được xem là một phương tiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, tình cảm, pháp luật cho học sinh. Mỗi giáo viên khi dạy môn Đạo đức cần xây dựng cho học sinh những chuẩn mực về hành vi đạo đức được thấm sâu, bền vững, trở thành kĩ năng sống, thói quen hàng ngày của mỗi học sinh.

Đối với các môn khác như Tiếng việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lý.vv…đều có tri thức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong từng bài học. Do đó, nhà trường yêu cầu giáo viên linh hoạt các phương pháp cung cấp những tri thức cho các em một cách phù hợp.

Việc tổ chức có hiệu quả các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp luôn được quan tâm, đề cao.

Tại Trường Tiểu học Vĩnh An, giáo viên linh hoạt các phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Vĩnh An, giáo viên linh hoạt các phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

“Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh sẽ đạt hiệu quả cao khi giáo viên tổ chức tốt các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi chào cờ đầu tuần. Thông qua các hoạt động này, thầy cô tạo cơ hội cho trò được nói, được trình bày trước lớp, được trình bày ý kiến quan điểm của bản thân về môi trường xung quanh.

Từ đó, giáo viên có thể hiểu được học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức các sân chơi, các hoạt động ngoại khóa, trò được được phát triển một cách toàn diện”, thầy Tính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc phối kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội được nhà trường đẩy mạnh giúp giáo dục đạo đức cho học sinh đạt hiệu quả. Bởi, theo thầy Tính, việc giáo dục đạo đức cho học sinh không còn là việc của riêng nhà trường nữa mà phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Có như vậy mới làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ