Nếu Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là tường thành lớn nhất thế giới thì Rắn Đỏ, biệt danh tường thành Gorgan của Iran chỉ lớn thứ 3 nhưng lại có thể từng kiên cố hơn và đặc biệt nổi bật vì màu gạch đỏ au. Suốt nhiều thế kỷ, nó bảo vệ vùng đất trù phú nhất - Đồng bằng Gorgan, giúp người Iran yên tâm an cư lạc nghiệp.
Tường thành bắt mắt
Tường thành Gorgan nằm ở tỉnh Golestān, Đông Bắc Iran, tại góc Đông Nam của biển Caspi. Nó được phát hiện vào năm 1999, khi Chính phủ Iran cho khảo sát khu vực để xây dựng Đập Golestan.
Vừa được phát hiện, tường thành Gorgan đã gây chấn động thế giới vì kích thước kỳ vĩ, dài 195km, rộng 6 - 10m, cao 3m và cứ sau 10 - 50km lại có một pháo đài, tổng cộng 38 pháo đài.
Điểm bắt đầu của tường thành Gorgan là bờ biển Caspi, vòng quanh phía Bắc Gonbad-e Kavus, uốn lượn về phía Đông Bắc và kết thúc ở dãy núi Pishkamar. Dọc theo tường thành này là kênh đào sâu 5m, dẫn và chứa nước.
Vật liệu được sử dụng là gạch được nung từ đất sét vàng, viên dài 37 - 40cm, dày 8 - 11cm và nặng khoảng 20kg. Chúng được sản xuất tại chỗ, theo quy mô công nghiệp và có màu đỏ au nên tường thành Gorgan mới có biệt danh Rắn Đỏ.
Ngoài gạch, Rắn Đỏ gần như không còn vật liệu xây dựng nào khác vì khu vực nó chạy qua là thảo nguyên khô hạn, trống trơn, không có cả đá lẫn gỗ. Ước tính số lượng gạch xây Rắn Đỏ lên tới 200 triệu viên và phải có từ 3 - 7 nghìn lò gạch được đắp để cung cấp gạch cho nó. Tại những địa điểm giàu đất sét vàng, mật độ lò gạch dày đặc, các lò cách nhau chỉ từ 40 - 100m.
Ban đầu, người ta đoán Rắn Đỏ được xây dưới thời Hoàng đế Alexander của Macedonia (tại vị từ năm 498 - 454 trước Công nguyên) và có tên là Tường thành Alexander hoặc muộn nhất là vào thế kỷ thứ VI sau Công nguyên, dưới thời Hoàng đế Khusrau I (tại vị từ năm 531 - 579). Tuy nhiên, kiểm tra niên đại từ các đoạn khác nhau của công trình đồ sộ này chỉ ra nó được xây dựng từ khoảng thế kỷ II - I trước Công nguyên, dưới thời Đế chế Parthia (247 TCN - 224 SCN).
Với kích thước ấn tượng, Rắn Đỏ chỉ xếp sau Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) và Thiên Lý Trường Thành (Hàn Quốc).
Phòng thủ vững vàng
Như tất cả các tường thành, Rắn Đỏ cũng được xây dựng với mục đích phòng thủ. Vào thời gian nó được khởi công, Nhà Parthia đang trong thời kỳ thịnh vượng nhất, sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngang ngửa Đế quốc La Mã. Tuy nhiên, như tất cả các vương triều khác trong thời đại cướp bóc, ngoại xâm, họ cũng liên tục bị tấn công.
Phía Bắc, lãnh thổ của Nhà Parthia bị người Hung Nô quấy nhiễu còn phía Tây là người Hephthalite. Với chiến lược “đánh nhanh cướp gấp”, các dân tộc này liên tiếp cưỡi ngựa tập kích, cướp giật thành công và điều này buộc Nhà Parthia phải xây dựng tường thành để ngăn chặn.
Tốc độ xây dựng Rắn Đỏ rất nhanh nhờ chủ động nguyên vật liệu. Toàn bộ đất sét (đóng gạch), thạch cao (làm vữa) đều có sẵn và lò gạch chỉ cách tường thành từ 13 - 20m, gạch vừa ra lò là lập tức đưa đi xây. Có lẽ vì gấp gáp nên sau này, từ thế kỷ III - VII, Nhà Sasan (224 - 651) phải sửa sang và gia cố lại.
Nhà Sasan là triều đại Hỏa giáo cuối cùng của Đế chế Ba Tư, do Quốc vương Ardashir I (tại vị từ năm 208 - 241) thành lập, được xem là một trong những thời đại quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Iran. Biên giới của Nhà Sasan bao gồm Iran hiện đại, trải dài đến dãy núi Kavkaz, tiến vào trung tâm châu Á và tiểu lục địa Ấn Độ.
Các quốc vương Sasan rất hiếu chiến, từng nhiều lần xâm lược Đế chế Đông La Mã và Đế chế Byzantine nhưng ngược lại, biên giới phía Tây Bắc của họ cũng liên tục bị các kẻ thù hung dữ như người Hephthalite, người Hung Nô, Hung Nô Trắng… tấn công.
Đối tượng bảo vệ của Rắn Đỏ là Đồng bằng Gorgan trù phú, vựa lương thực chính của Iran. Nếu ở thời Nhà Parthia, Rắn Đỏ chỉ mới được xây dựng qua loa thì vào thời Nhà Sasan, nó được dày công chăm chút từng li từng tí. Một số đèo ở dãy núi Kavkaz và tuyến đường ven biển dọc theo bờ biển Caspi đã bị Rắn Đỏ chặn ngang để ngăn chặn quân Hung Nô Trắng tấn công.
Cùng với vai trò ngăn chặn quân xâm lược, Rắn Đỏ kiêm thêm vai trò đồn trú. Các pháo đài của nó vừa là nơi tập trung sức mạnh quân sự vừa là vọng gác, canh giữ Đồng bằng Gorgan an toàn. Ước tính, quân đồn trú của Rắn Đỏ khoảng 30 nghìn người. Tùy vào thời điểm, số lượng dao động từ 15 – 36 nghìn quân và đây là lực lượng quân sự cực kỳ lớn mạnh.
Phía sau Rắn Đỏ là cơ sở hạ tầng quân sự khổng lồ, quy mô lớn nhất vùng Cận Đông. Kết quả khai quật một pháo đài cho thấy, cuộc sống bên trong rất sung túc, nhộn nhịp. Kể từ năm 420 - 530, Rắn Đỏ liên tiếp bảo vệ Iran khỏi các đợt tấn công khủng khiếp.
Cũng có lúc, Nhà Sasan thua cuộc, ví dụ như năm 484, khi Quốc vương Peroz (459 - 484) mạo hiểm đuổi cùng giết tận quân Hung Nô Trắng song cái chết của ông là do đã xuống khỏi Rắn Đỏ và xâm nhập vào đất của kẻ thù.
Theo kết quả giám định niên đại, Rắn Đỏ làm đồn trú cho đến ít nhất là nửa đầu thế kỷ VII. Trong Chiến tranh Sasan - Byzantine (602 - 628) và cả cuộc tấn công của người Ả Rập vào Ba Tư năm 633, Rắn Đỏ chắc chắn đã phòng thủ hết mình. Nó tiếp tục giữ vai trò tường bảo vệ vương quốc thêm một hoặc 2 thế kỷ nữa rồi mới bị đổ nát và cuối cùng chìm trong cát.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến Rắn Đỏ bị bỏ hoang. Thứ nhất là do nó cắt ngang một số hệ thống kênh mương dẫn nước, khiến khu định cư liên quan không được cấp nước làm đất trồng trọt khô cằn và dân cư dần bỏ đi. Thứ 2 là tình trạng sụt lún gần bờ biển Caspi khiến nó bị đứt gãy và chìm nghỉm dưới nước.
Ngày nay, Rắn Đỏ là tàn tích quan trọng, lừng danh một trong những bức tường biên giới đầy tham vọng, kiên cố nhất từng được xây dựng trên thế giới và công sự phòng thủ quan trọng nhất của Nhà Sasan. Một số nghiên cứu gia còn tin rằng, ban đầu, nó có khả năng vững chãi hơn cả Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc.