Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang được đẩy lên một cấp độ căng thẳng mới liên quan đến hạt nhân, khi Nga bắt đầu có động thái triển khai loại vũ khí hủy diệt này.
Mức độ leo thang mới được đánh dấu khi Tổng thống Nga Putin hôm 25/3 tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.
Đến ngày 28/3, chính quyền Belarus cũng đưa ra giải thích việc tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga là do phải chịu sức ép trong suốt nhiều năm qua từ Mỹ và các nước đồng minh. Do đó, Belarus coi đây là bước đi để tự bảo vệ chính mình.
Còn phía Nga thì khẳng định đây là động thái nhằm đáp trả kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo từ Anh đến chiến trường Ukraine. Những diễn biến này đang được đánh giá như một động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine vốn đã không giảm nhiệt suốt hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân vào thời điểm này vẫn vô cùng thấp. Các động thái liên quan đến hạt nhân của hai phía chủ yếu nhằm thiết lập thế cân bằng và răn đe hạt nhân lẫn nhau.
Chiến thuật này giúp đảm bảo không có bên nào tiến hành tấn công hạt nhân trước để tránh kịch bản tự hủy diệt lẫn nhau.
Căng thẳng liên quan đến hạt nhân mới được cho là do phía phương Tây khơi mào, khi có ý định viện trợ khí tài tấn công tầm xa và có hàm lượng uranium nghèo cho Ukraine, trái với tuyên bố của châu Âu trước đó về việc họ sẽ không trở thành bên trực tiếp tham gia xung đột và không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Annabel Goldie trước đó, hôm 20/3, tuyên bố nước này sẵn sàng chuyển các quả đạn uranium nghèo tới Ukraine. Những quả đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo này chuyên được sử dụng để tiêu diệt xe tăng, các phương tiện bọc thép và các vật thể khác, do có mật độ uranium cao vượt trội so với vũ khí thông thường như đạn vonfram.
Tình hình vốn nóng hơn từ trước đó xuất phát từ việc cuối năm 2022 Mỹ đã công bố chính sách đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp kho lưu trữ vũ khí hạt nhân ở châu Âu của mình, thông qua việc tăng cường bom trọng lực hạt nhân B61-12, một loại vũ khí hạt nhân chiến lược.
Động thái này của Washington cộng với việc châu Âu có ý định viện trợ đạn uranium nghèo cho Ukraine, nên bước đi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus được cho là giúp chính quyền Tổng thống Putin cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu. Đó là vừa giảm thiểu các rủi ro pháp lý liên quan đến hạt nhân vừa có hiệu lực răn đe đáng kể.
Loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga dự định triển khai ở Belarus có sức công phá nhỏ, có thể dùng để đạt lợi ích cục bộ trên chiến trường, chứ không có khả năng hủy diệt trên diện rộng như các loại vũ khí hạt nhân tiêu chuẩn mà nước này đang sở hữu trong kho. Sự kiện này cũng sẽ đánh dấu Nga lần đầu tiên triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bên ngoài lãnh thổ kể từ những năm 1990.
Nhìn chung những động thái liên quan đến vũ khí hạt nhân và uranium của hai bên liên quan đến cuộc xung đột Ukraine chưa phản ánh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân hiện hữu.
Tuy nhiên, các động thái này cũng đã đủ để đánh dấu một giai đoạn mới trong căng thẳng Nga - phương Tây. Việc các bên liên quan tung ra các quân bài quan trọng cũng cho thấy tình hình chiến sự Nga - Ukraine vẫn còn đang ở giai đoạn đỉnh cao.