Tại Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội), những cành đào cuối mùa ngập tràn sắc xuân với màu thắm đỏ, chồi biếc đang được nông dân thu hái để chuyển lên từng con phố bán dịp Rằm tháng Giêng. Có giá không hề rẻ, thậm chí, nhiều cành đào dáng đẹp, lộc xanh biếc kèm quả đầu mùa cũng khoảng vài trăm nghìn/cành nhưng vẫn hút khách hàng.
Nhiều người dân Nhật Tân đang "mót" lại những cành đào cuối mùa bán dịp Rằm tháng Giêng
Cô Mai Anh, một người dân trồng đào Nhật Tân cho biết, với những người trồng đào thì dịp Rằm tháng Giêng được coi là mùa Tết thứ hai. Đôi khi, những cành đào còn sót lại bán dịp này cũng mang về một khoản tiền lớn cho gia đình.
“Đào cúng Rằm tháng Giêng không cần những cành lớn như chơi Tết. Thậm chí, không cần nhiều nụ mà chỉ cần nhiều hoa, hoa càng thắm càng đắt. Bởi hầu hết người dân chỉ cắm đào khoảng 3 – 5 ngày. Năm nay, vườn đào nhà cô cũng có hơn 1.000 cành đào sót lại bán sau Tết. Đây chủ yếu là các cành nhỏ trên những cây cổ thụ lâu năm. Giá bán tại vườn năm nay trung bình 70.000 đồng/cành”, cô Mai Anh nói.
Theo cô Mai Anh, thú chơi đào Rằm tháng Giêng có từ xa xưa, đây là một trong những nét đẹp của người Hà Nội. Bởi vì, Rằm tháng Giêng là dịp lễ đầu tiên trong năm, khởi đầu của mùa xuân. Vậy nên, những cành đào thắm với chồi lộc biếc được nhiều coi là biểu tượng của sức sống mùa xuân đâm chồi nảy lộc.
“Năm nay, do thời tiết nắng nóng, sau Tết mưa xuân chưa xuất hiện nhiều vậy nên đào cúng Rằm ít hơn mọi năm, giá cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Mưa xuân không nhiều cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp độ ẩm cho cây, vậy nên đào cúng Rằm năm nay không nhiều mà lộc biếc. Một vài cành có nhiều lộc giá khoảng 200 – 500.000 đồng đắt hơn cả đào Tết. Nhưng những cành được như vậy rất hiếm”, cô Mai Anh cho biết thêm.
Cùng với các loại hoa, đào Nhật Tân cuối mùa khoe sắc, thu hút sự chú ý của nhiều người mua về cúng Rằm tháng Giêng
Còn tại vườn đào nhà chú Nguyễn Hữu Tùng thì lượng đào bán ngày Rằm tháng Giêng năm nay không nhiều, giảm hẳn một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu của việc đào bán Rằm không có như mọi năm được chú Tùng chia sẻ cũng chính là do thời tiết.
“Năm nay, thời tiết thất thường vậy nên một số cây đào già bớt lại để lấy cành bán ngày Rằm tháng Giêng đều bung nở hoa từ sớm. Thời điểm này hoa đã tàn hết, chỉ còn một số ít cành vớt vát lại để bán”, chú Tùng nói.
Tuy nhiên, giá đào Tết năm nay bán được và không bị xuống giá nên dẫu mất mùa đào Rằm tháng Giêng thì gia đình chú Tùng cũng đã mang về được doanh thu dịp Tết với hơn 500 triệu đồng.
Nhiều người coi mùa đào bán Rằm tháng Giêng chính là mùa Tết thứ hai
Theo chuyên gia văn hóa Th.s Nguyễn Mai Lâm, thì với người Hà Nội xưa, việc mua đào cúng Rằm tháng Giêng còn thể hiện sự hết Tết. Theo đó, dân gian có câu “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, những cành đào cuối mùa mọi người mua về để cúng gia tiên và tiễn ông bà ra đồng sau khi về sum vầy cùng con cháu.
“Cành đào với người miền Bắc chính là sắc xuân cuối còn sót lại báo hiệu cho những ngày nghỉ Tết kết thúc, mọi người bắt đầu vào mùa vụ mới. Mâm cơm cúng Rằm cũng chính là mâm cơm hết Tết. Với nhiều gia đình, ngày cúng Rằm tháng Giêng cũng chính là ngày hóa vàng và sau đó, mọi người sẽ bắt tay ngay vào công việc đồng áng của một năm”, Th.s Lâm nói.
Ths. Lâm nhấn mạnh, một cành đào cúng Rằm cần đầy đủ cả hoa, lộc non và quả. Nếu như đào trưng Tết thì cần nhiều hoa với cánh to, dày. Thì đào cúng Rằm chỉ cần hoa có sắc thắm, nhất định phải nhiều lộc hơn hoa và lá xanh biếc để báo hiệu một năm sung túc, nhiều tài lộc.