“Rác là vàng” là giải pháp công nghệ 4.0 nhằm tạo ra cuộc cách mạng về rác thải của TS Vương Thị Lan Anh.
Rác là vàng
Dự án Ralava vừa đoạt giải tại Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp” của chuyển đổi số quốc gia 2020 do Bộ TT&TT và Tập đoàn Viettel tổ chức. Theo tính toán của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, mỗi ngày hơn 6.000 tấn rác được thải ra tại Thủ đô.
“Đây là một con số kinh khủng. Không bởi vì số lượng, sự kinh khủng ở đây đến từ việc chúng ta đang lãng phí rất nhiều vì chưa có phương án xử lý, khai thác đúng nguồn rác thải này”, Lê Quốc Huy, người đồng sáng lập Dự án Ralava, nhận xét.
Cùng với những đồng nghiệp của mình, Huy đã khảo sát và có thể kết luận rằng 51% số người được hỏi cho biết không phân loại để tái chế rác vì gặp nhiều bất tiện trong việc tìm người thu gom. Đó là lý do nhóm xây dựng dự án Ralava - dự án xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh giúp người dùng phân loại được rác thải. Sau đó là công tác thu gom, đổi rác thải lấy những vật dụng phục vụ đời sống.
TS Vương Thị Lan Anh, chủ nhiệm dự án, giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Công nghiệp cho biết, Ralava là tên gọi của chương trình chị đang thực hiện, là chữ viết tắt của câu Rác Là Vàng. Việc quản lý rác trong thời đại 4.0 thì cũng phải khác với phương thức truyền thống để phù hợp với một Thủ đô đang ngày càng hiện đại hóa, văn minh.
Thông điệp của dự án Ralava là Hà Nội muốn giải quyết vấn đề rác một cách thông thái, phải phân loại rác ngay từ nguồn và tái chế để lấy lại những gì quý báu từ rác. Nhóm của chị đặt những điểm thu gom tại các khu dân cư, chung cư, trường học, văn phòng, công viên… để người dùng có thể mang rác tái chế tới tích điểm (gọi tắt những địa điểm Wastebank – Ngân hàng rác). Dự án có nhiều biện pháp thu hút, khuyến khích người đến đưa rác, tích điểm.
Sau khi có một lượng điểm nhất định, người dùng có thể quy đổi ra những voucher, thẻ quà tặng, sản phẩm thân thiện môi trường, nhận tiền thưởng công cho hành động phân loại rác mọi nơi mọi lúc của mình.
Ralava tiếp cận các chung cư, trường học, tổ dân phố - nơi tập trung đông người sinh sống và làm việc, để đề nghị đặt Wastebank. Đối tượng quản lý Wastebank mà Ralava hướng tới là bảo vệ, lao công, nhân viên cửa hàng dịch vụ, người dân yêu môi trường và có chính sách chi trả dựa theo số lượng rác bán được tại Wastebank.
Để nâng cao việc quản lý và kiểm soát sản phẩm – thị trường, Ralava xây dựng ứng dụng di động (Mobile App) trên 2 nền tảng IOS, Android. Tại ứng dụng cho người dùng, khi truy cập vào ứng dụng, người dùng có thể cập nhật được số điểm mình hiện có, tìm kiếm Wastebank gần nhất, cập nhật thông tin hữu ích về hướng dẫn phân loại tái chế, trao đổi thông tin qua lại giữa các thành viên, mua bán những sản phẩm thân thiện môi trường, cập nhật mã giảm giá của các đối tác trong hệ sinh thái Ralava và đề nghị quy đổi nhận tiền từ điểm tích được.
Việc tích điểm được thực hiện bằng cách Wastebank tiếp nhận rác tái chế, xác định số lượng rác và tích điểm cho người dùng. Người dùng được hướng dẫn cách phân loại – tái chế. Ralava làm việc với các thương hiệu, nhãn hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán sản phẩm thân thiện môi trường để tiếp nhận sản phẩm, voucher nhằm mục đích quảng cáo cho thương hiệu và đổi quà cho người dùng.
“Ngân hàng” mở cửa 24/7
TS Vương Thị Lan Anh cho biết, Ralava là ứng dụng di động hỗ trợ người dùng trong việc phân loại và thu gom rác tại nguồn. Dự án được khởi động vào tháng 8/2019, bắt đầu bằng việc thu gom tận nhà trên 5 quận trung tâm thành phố Hà Nội. Vì nhiều bất cập, Ralava đã ngừng triển khai dịch vụ thu gom tận nhà. Thay vào đó, Ralava thiết lập các Wastebank, nơi mọi người có thể mang rác tái chế tới, tích điểm, đổi quà 24/7.
Mỗi phần rác đổi, người dùng đều được quy ra điểm và điểm tích lũy có được để đổi lấy những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường từ Ralava. Ngoài việc hỗ trợ phân loại và thu gom rác tái chế tại nguồn, ứng dụng Ralava còn kết nối người có nhu cầu thu gom ve chai và người có phế liệu giúp cộng đồng có thể giảm thiểu, phân loại, tái chế rác thải của mình. Tất cả những gì cần làm là đăng ký tài khoản bằng số điện thoại.
Công ty Hoa Việt là đơn vị đứng ra thu gom và tiếp nhận toàn bộ rác thải nhựa của Ralava, bao gồm cả nhựa dùng một lần, túi nilon… để sản xuất ra vật liệu xây dựng như gạch, ngói, tấm lợp, cung cấp ra ngoài thị trường.
Thêm vào đó, Ralava còn có các đối tác tái chế vỏ hộp sữa, tái chế vải bò, vải vụn và quần áo cũ, tái chế rác hữu cơ để làm nên những sản phẩm xanh, có giá trị sử dụng và kinh tế, đẩy mạnh hiện thực hóa chuỗi giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn.
TS Vương Thị Lan Anh hy vọng, Ralava sẽ phủ được 90% mạng lưới thu gom trên địa bàn TP Hà Nội. Rác tái chế thay vì rải rác tại nhiều nơi thì bây giờ sẽ được tập trung lại tại các Wastebank của Ralava.
Thông điệp của dự án Ralava mà chị muốn chuyển tải là Hà Nội muốn giải quyết vấn đề rác một cách thông thái, phải phân loại rác ngay từ nguồn và tái chế để lấy lại những gì quý báu từ rác. Dự án có nhiều biện pháp thu hút, khuyến khích người đến đưa rác, tích điểm.
TS Vương Thị Lan Anh cho biết, trên địa bàn Hà Nội, nhiều trường học đã tham ra tích cực cùng dự án Ralava như: THCS Mỹ Đình 2, THCS Cầu Giấy, THCS Nguyễn Trường Tộ, THCS Nhân Chính, THCS Bế Văn Đàn, THCS Thanh Xuân Nam, THCS Khương Mai, THCS Thái Thịnh, THCS Khương Thượng, Tiểu học Ngọc Khánh…
Lê Quốc Huy chia sẻ, mục tiêu trong năm tới của dự án là có thể hỗ trợ tái chế 20% lượng rác thải tại Hà Nội và tạo thu nhập ổn định cho 300 lao động đang làm công việc thu gom phế liệu để một phần giảm gánh nặng cho xã hội.
Sau đó Ralava sẽ phát triển thêm việc bán các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường trên ứng dụng để những người yêu môi trường ủng hộ Ralava tiếp tục hoạt động. Đồng thời, Ralava cũng cố gắng phối hợp cùng các gian hàng xanh tại Hà Nội để mở rộng hơn nữa những địa điểm đổi quà cũng như danh sách các sản phẩm thân thiện môi trường.