Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-22 của Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
"Nga đang thực sự thiết lập một khu vực bất khả xâm phạm tại Syria", trang mạng quốc phòng Pháp Réseau international ngày 23/10 dẫn lời tướng Philip Breedlove, tư lệnh quân đội NATO tại châu Âu, cho hay.
Theo đó, các phương tiện trinh sát điện tử của Mỹ và NATO hoàn toàn bất lực trước hệ thống tác chiến điện tử Nga được bố trí trong một khu vực rộng lớn bao trùm một phần ba lãnh thổ Syria, từ sây bay Latakia đến căn cứ quân sự Hmeimim. "Chúng tôi không thể nhận diện được bất kỳ hệ thống vũ khí, khí tài nào của Nga bố trí trong khu vực này do hệ thống gây nhiễu vô cùng dày đặc, thực sự đó là khu vực không thể quan sát", ông Breedlove cho hay.
Ngoài khả năng gây nhiễu, khả năng trinh sát và nhận diện của các hệ thống tác chiến điện tử của Nga cũng được cải thiện đáng kể. Mới đây Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã biên chế cho quân đội Nga những tổ hợp tác chiến điện tử tối tân đầu tiên có tên gọi Moscow-1.
Theo các chuyên gia quân sự, tổ hợp Moscow-1 áp dụng công nghệ kỹ thuật số mới nhất, hoạt động ở chế độ radar thụ động, phát hiện các phương tiện bay bằng cách dò theo bức xạ của chúng từ khoảng cách 400 km. Tổ hợp này còn có thể phát hiện cả các loại đạn của đối phương.
Trong khi hệ thống tác chiến điện tử Krasukha chỉ được đánh giá cao về khả năng gây nhiễu, Moscow-1 sẽ là "át chủ bài" về khả năng phát hiện và nhận diện mục tiêu của không quân Nga.
"Với sự tiến bộ đáng kinh ngạc của về công nghệ radar của Nga trong những năm gần đây, các chuyên gia quân sự Mỹ và NATO nhận định rằng nguy cơ các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-22 mất khả năng tàng hình và trở thành "bia bay" đối với các hệ thống phòng không của Nga hoàn toàn có thể xảy ra", ông Breedlove nói.
Năm 2014 Nga đã từ bỏ chương trình phát triển phiên bản hai phi công của tiêm kích thế hệ 5 T-50 Sukhoi, vốn được đánh giá là mạnh nhất thế giới khi đi vào hoạt động. Khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng tiềm lực tài chính không cho phép tiếp tục chương trình này, mà chỉ chú trọng vào phiên bản T-50 một phi công.
Nhiều chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng chương trình phát triển T-50 hai phi công là không cần thiết, bởi với các hệ thống tác chiến điện tử và công nghệ radar hiện đại, các chiến lược gia quân sự Nga đủ tự tin có thể khắc chế mọi chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ và NATO.
Mô hình các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của Nga. Ảnh: Réseau international |