Rắc rối chuyện học của một thần đồng

GD&TĐ - Mới đây, gia đình thần đồng người Bỉ Laurent Simons đã quyết định để con họ bỏ ngang đại học ở quê nhà sau khi có bất đồng với nhà trường về ngày tốt nghiệp cử nhân của cậu. 

Laurent học kỹ thuật điện tại Viện Đại học Eindhoven ở Hà Lan
Laurent học kỹ thuật điện tại Viện Đại học Eindhoven ở Hà Lan

Bỏ ngang cử nhân để kịp học tiến sĩ

Laurent, 9 tuổi đã trở thành “hiện tượng toàn cầu” vào tháng 11/2019 khi báo chí rầm rộ đưa tin cậu sớm tốt nghiệp Khoa Kỹ thuât điện tại Viện Đại học Công nghệ Eindhoven (TUE) ở Hà Lan vào tháng 12/2019 để kịp chuyển sang chương trình tiến sĩ (PhD) ở đại học khác. Nay, TUE muốn giữ nguyên ngày tốt nghiệp tháng 6/2020, tức là không cho phép Laurent được bỏ qua một số môn.

Theo TUE, đại học này muốn Laurent hoàn tất chương trình học vào giữa năm 2020 thay vì cuối tháng 12 vì cậu vẫn còn một số môn cần phải thi. “Tính chung cho cả Khoa Kỹ thuật điện, thời hạn này vẫn còn rất nhanh so với những sinh viên khác” – thông báo gửi cho truyền thông của đại học nêu rõ. TUE cho biết thêm là cha của Laurent, ông Alexander Simons đã nhiều lần bày tỏ ước nguyện con ông nên được theo học một chương trình riêng để có thể lấy bằng cử nhân ở tuổi lên 9 thay vì học đủ thời gian như các sinh viên khác.

Alexander phàn nàn rằng đại học đã không giữ đúng lời hứa trước đó là “thời gian tốt nghiệp không thành vấn đề”, nghĩa là Laurent có thể ra trường sớm hơn tuỳ vào năng lực của cậu. “Sau khi đại học thay đổi ý kiến, chúng tôi quyết định cho con trai rời TUE mà không cần tốt nghiệp để chuyển sang học bổng tiến sĩ (PhD) do một đại học ở Mỹ cấp. Vì nếu chờ đến giữa năm 2020, Laurent sẽ không thể theo học từ đầu chương trình tại Mỹ. Con tôi không thể học hai đại học một lúc. Đôi khi bạn phải chọn lựa, hy sinh cái này để được cái kia” - Alexander nói về quyết định của gia đình.

“Cơ hội học tiến sĩ ở Mỹ có thể không bao giờ trở lại nếu để mất”, Alexander phàn nàn.

Sở dĩ, TUE làm khó với con trai ông khi nghe tin gia đình muốn chuyển Laurent sang đại học khác. TUE muốn Laurent tiếp tục học lên cao tại TUE.

“Cách họ làm như thế là không đúng, con trai tôi không phải là tài sản riêng của họ. Chúng tôi chấp nhận mất bằng cử nhân hơn là để vuột mất cơ hội lấy PhD sớm” – Alexander nói.

Phản ứng trước quyết định của gia đình Laurent, Ivo Jongsma - phát ngôn viên của TUE cho biết: “Chúng tôi không bao giờ có chính sách ép sinh viên phải ở lại trường, dù đó là sinh viên thần đồng. Chúng tôi cũng không muốn làm mất cơ hội của một ai, thậm chí sẵn sàng tạo điều kiện cho họ. Vấn đề ở đây là Laurent chưa hoàn thành một số môn học”. TUE cũng bày tỏ sự hối tiếc là gia đình Simons không chấp nhận ngày tốt nghiệp họ đề nghị, tức là giữa năm 2020.

“Các giảng viên của Laurent rất thích làm việc với cậu ấy, không chỉ vì tài năng mà còn những quyến luyến tình cảm khác. TUE vẫn để ngỏ cánh cửa để cậu hoàn tất bằng cử nhân tại trường” - thông báo của đại học nhấn mạnh.

Laurent đứng bên mẹ Lydia và cha Alexander
 Laurent đứng bên mẹ Lydia và cha Alexander

Sinh viên đặc biệt

Hiện gia đình Laurent vẫn chưa ấn định ngày cậu sang Mỹ để học PhD kỹ thuật điện. Alexander hứa sẽ nêu tên viện đại học cấp học bổng cho con trai sau khi vụ việc được giải quyết ổn thoả hoặc khi cậu đã học xong một học kỳ tại trường mới. “Chúng tôi không muốn tạo áp lực thêm cho con trai vào thời điểm nhạy cảm này” – người cha nói.

Một giáo sư từng dạy Laurent nhận xét: “Kỹ thuật điện tại TUE là một chương trình khó đối với cả những sinh viên ở độ tuổi bình thường. Laurent là cậu bé phi thường mới có thể học tốt ở lứa tuổi đó”. Ngoài việc học PhD về kỹ thuật điện trong tương lai, Laurent còn học thêm bằng y.

Trong khi cha mẹ của cậu bé nói ông bà ngoại đã khen người cháu quá đáng, xem cháu họ là thiên tài thì các giáo sư từng dạy Laurent khẳng định thời gian sẽ chứng minh điều này. “Có một cái gì đó rất đặc biệt trong Laurent. Họ nói con trai tôi giống như món quà của thượng đế. TUE đã làm trắc nghiệm trên con trai tôi và họ nói nó giống như miếng bọt biển hấp thu tất cả những kiến thức nó tiếp xúc hay thích” - Alexander nói.

Cha mẹ của Laurent đều là bác sĩ nhưng họ không thể giải thích được lý do tại sao con họ học, hiểu, thực hành quá nhanh và nhớ quá tốt. Lydia đưa ra giả thuyết là: “Có lẽ tôi đã ăn quá nhiều cá lúc đang mang thai con trai. Một chất gì trong cá tạo ra thần đồng?”. Sjoerd Hulshof, trưởng khoa cử nhân kỹ thuật điện nói: “Trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên đặc biệt điều chỉnh thời gian học cho tương ứng với khả năng phi thường của các em.

Các tài năng thể thao cũng được tạo điều kiện như thế. Laurent là sinh viên học nhanh nhất trong lịch sử của trường. Việc tiếp thu kiến thức là chuyện nhỏ đối với cậu. Nghiên cứu và vận dụng những điều đã học vào thực tế cũng thế. Năng lực của Laurent là rất lớn. Cậu không chỉ xuất chúng về học tập mà cũng rất đáng yêu đối với giáo viên và bạn bè. Laurent biết chăm sóc người khác và thích chia sẻ”.

Nuôi dạy thần đồng thế nào?

Laurent cho biết cậu thích nhất là kỹ thuật điện nhưng cũng thích tìm hiểu về y khoa, sở trường của cha mẹ cậu. “Tư chất thần đồng của Laurent không thể thoát khỏi tai mắt của các trường quốc tế. Nhiều đại học nổi tiếng sẵn sàng cấp học bổng cho cậu học lên PhD. Nhưng họ còn chờ quyết định của gia đình” – Alexander nói.

Để con cái không bị áp lực quá mức bởi việc học, cha mẹ Laurent luôn tìm cách cân bằng giữa học tập và giải trí, vui chơi. “Không nên để thằng bé căng thẳng quá giới hạn cho phép vì tác hại sẽ khó lường. Nó có thể làm những gì mình thích ngoài việc học. Chúng tôi muốn tạo ra sự hài hoà giữa việc học tập và những hoạt động phải có ở lứa tuổi thiếu niên” – người cha nói.

Laurent cho biết, cậu có người bạn thân thiết để chơi đùa là chó Sammy và thích “vọc” trên điện thoại giống như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, ở lứa tuổi lên 9, Laurent đã làm được những việc mà nhiều trẻ em khác không làm được.

Theo một nhà nghiên cứu chuyên về những tài năng đặc biệt, nuôi đứa trẻ thần đồng chỉ là một khởi đầu và các bậc cha mẹ còn cần làm nhiều hơn thế nữa. Họ có thể tham gia cải cách chương trình học dành riêng cho chúng và vận động trường học áp dụng chương trình này để thần đồng không bị “đánh đồng” với các học sinh bình thường khác.

Theo Daily Mail 12/2019

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ