Cùng đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục, hội thảo có sự tham gia của đại diện Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh, Trường CĐSP Sóc Trăng và 13 Sở GD&ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Đây là một trong chuỗi các hoạt động triển khai Chương trình công tác năm 2019 của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục theo quy định mới do Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục là đơn vị đầu mối tổ chức.
Trên cơ sở các công việc đã triển khai về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và việc tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, việc tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận 2 nội dung.
Thứ nhất là việc thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông của các địa phương, cơ sở giáo dục trong thời gian vừa qua, bao gồm: bổ nhiệm và xếp lương theo các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp.
Thứ 2 là mức độ phù hợp trong quy định về sử dụng chứng chỉ tiếng dân tộc trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Các đại biểu đồng thời chia sẻ, trao đổi một số bất cập, vướng mắc trong sử dụng chứng chỉ tiếng dân tộc trong thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp và kiến nghị với Bộ GD&ĐT để sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong thời gian tới.
Hội thảo “Đánh giá thực trạng sử dụng chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long” |
Tại hội thảo, đại diện Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục - ông Đặng Văn Bình, Trưởng phòng Chính sách NGCB và bà Nguyễn Thị Hương, chuyên viên chính Phòng Chính sách NGCB - đã có những trao đổi, chia sẻ, giải đáp vướng mắc của các địa phương, cơ sở giáo dục liên quan đến hội thảo; đồng thời định hướng các đại biểu tham gia góp ý kiến thông qua phiếu rà soát, xin ý kiến trực tiếp của các đại biểu tham dự.
Từ cuối năm 2017 đến nay, rất nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng viên chức được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, như: Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi bổ sung các Luật bao gồm: Luật Giáo dục; Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.
Bên cạnh đó, năm 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới với những yêu cầu mới về nhiệm vụ và năng lực đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng triển khai thực hiện chương trình từ năm 2021.
Một nội dung có ảnh hưởng lớn tới hệ thống chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục hiện nay là lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ theo Đề án cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, dự kiến đến năm 2021, hệ thống thang, bảng lương mới sẽ được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn quốc.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Có thể nói, bối cảnh hiện nay đang đặt ra những yêu cầu vô cùng khẩn trương và cấp bách trong việc rà soát, nghiên cứu để tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng, quản lý viên chức, đặc biệt là hệ thống văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Hội thảo được các đại biểu tham dự Hội thảo và lãnh đạo các địa phương, đơn vị đánh giá rất cao vì đây là nội dung quan trọng, cập nhật các yêu cầu về tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo vị trí việc làm theo quy định tại Luật Viên chức, thực hiện lộ trình chuẩn hóa đội ngũ theo quy định.
Tại hội thảo, Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục chia sẻ về việc rà soát hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu mới và việc sử dụng chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Hội thảo cũng nghe báo cáo trực tiếp của đại diện 4 sở GD&ĐT Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long về thực trạng các vị trí việc làm có sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thực trạng công tác bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên mầm non, phổ thông trên địa bàn và những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện.