Một trong những nội dung trọng tâm của phiên họp lần này là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT, trong đó có vấn đề về các tiêu cực phát sinh ở một số địa phương sau kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Không vì sai phạm phát sinh mà phủ nhận tính tích cực của Kỳ thi
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/8, do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp Chính vừa diễn ra, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử tại một số địa phương (Hà Giang, Sơn La) gây ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo những thông tin liên quan, trong đó tập trung vào các giải pháp xử lý, khắc phục để kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tốt hơn, tránh các sai sót phát sinh như thời gian qua.
Nêu lên tính cần thiết tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (vừa lấy điểm tốt nghiệp THPT, vừa lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ), Bộ trưởng nêu rõ Kỳ thi được được xây dựng và triển khai trên tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết 44 của Chính phủ về Chương trình hành động, trong đó xác định: “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và ĐH, CĐ...”. Qua 4 năm thực hiện, nhất là 2 năm gần đây, Kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Riêng đối với vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.
Nhận trách nhiệm trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Các sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm, nhưng không vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả của Kỳ thi, càng không vì thế mà đặt vấn đề xóa bỏ Kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra thời gian qua.
Nghiêm túc nhận trách nhiệm, rà soát lại mọi quy trình
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước các sự việc tiêu cực phát sinh ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như sau: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.
Trong ít ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia những năm vừa qua. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi. Bộ cũng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội, nhằm xây dựng phương án tốt nhất, chặt chẽ nhất để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới.
Phát biểu kết luận nội dung báo cáo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước Chính phủ và đề nghị Bộ rà soát lại hệ thống quản trị của ngành mình để kỳ thi lần sau tốt hơn nữa.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác về kỳ thi này, không để dư luận hiểu sai lệch về công tác quản lý Nhà nước và kết quả chung của Kỳ thi.